Tại Nhật Bản, con số báo động về các vụ bạo lực tấn công, xung đột trên tàu ngày một gia tăng, khiến nhà quản lý "đau đầu" tìm giải pháp.
Thực trạng bạo lực trên tàu điện tại Nhật Bản được thể hiện rõ qua câu chuyện của một cậu sinh viên có tên Issei Izawa mới bắt đầu theo học một trường đại học Thủ đô Tokyo từ tháng 4 vừa qua và ngày nào cũng vắt kiệt sức để đến và đi từ thủ phủ xứ “Mặt trời mọc” - nơi nổi tiếng là chật chội, đông đúc và không thoải mái.
Ác mộng chen lấn chưa phải là tất cả, cậu sinh viên trẻ còn sốc trước tình trạng bạo lực gần như diễn ra hàng ngày. “Mặc dù tôi đã chuẩn bị tâm lý để chịu đựng tình trạng tàu đông đúc, khó chịu nhưng tôi không hề nghĩ sẽ xảy ra những cuộc xung đột, cãi vã trên tàu”.
“Những chuyện xung đột tiếp diễn gần như hàng ngày lúc tôi về nhà vào tối muộn sau khi kết thúc việc làm thêm. Thông thường, sẽ có hai người say đẩy nhau trên sân ga, vô cùng nguy hiểm. Nhưng có lần, tôi còn nhìn thấy nhân viên tàu bị tấn công khi cố gắng can ngăn hành khách đánh nhau”, Izawa kể.
Không riêng câu chuyện của Izawa, tháng 4 năm ngoái, ông Masashi Nouno - một quan chức đến từ Cảnh sát tỉnh Osaka đã bị bắt vì tấn công nhân viên đường sắt Tây Nhật do mất bình tĩnh.
Sự việc xảy ra vào khoảng 6h30 một sáng cuối tuần, ông Masashi Nouno đã tóm lấy đồng phục nhân viên tại cửa soát vé và kéo người này khắp ga tàu Aboshi. Sau đó, ông Nouno thừa nhận đã bức xúc vì tàu chậm trễ nên tóm cổ nhân viên dù bác bỏ thông tin đã tấn công người này.
Tháng 5/2017, ông Eiji Tsuchiya, 65 tuổi thiệt mạng sau khi bất tỉnh khoảng một tuần chỉ vì xích mích với một hành khách khác.
Ông Eiji xung đột với một hành khách người Trung Quốc tên Dai Kyo (làm đầu bếp), tại sân ga ở Tokyo đến mức bị anh này đẩy xuống đường khi tàu đang chạy dẫn đến bị nứt sọ não. Sau vụ xô xát, một người thiệt mạng, người còn lại bị buộc tội cố ý gây thương vong chết người.
Những con số đáng báo động
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, người tham gia giao thông Nhật Bản từ lâu đã rất nổi tiếng với việc chịu đựng cảnh tắc nghẽn, chật chội trên đường nhưng những con số về tình hình bạo lực vừa được công bố đã buộc Bộ Giao thông Nhật Bản phải nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc.
Chính phủ Nhật bắt đầu thu thập số liệu thống kê về tình hình bạo lực đối với nhân viên tàu từ năm 2013, trong đó 231vụ việc đã được báo cáo trong năm đầu tiên. Con số này tiếp tục tăng đến đỉnh điểm là 887 vụ trong năm 2014.
Thống kê mới nhất trong một năm tính đến ngày 1/4/2018, đã xảy ra ít nhất 825 vụ tấn công trên tàu hoặc hành hung nhân viên sân ga trên khắp Nhật Bản, cao hơn nhiều so với ngưỡng 800 vụ xảy ra trong bốn năm liên tiếp trước đó.
Hầu hết các vụ việc xảy ra mỗi năm đều diễn ra tại khu vực đô thị lớn với 264 vụ xảy ra tại Tokyo và 65 vụ tại Osaka. Hơn 60% người liên quan tới những sự vụ này đều là người say.
Song, theo tờ Yomiuri, con số ngày gần như chưa thể phản ánh quy mô thực sự của vấn đề vì có rất nhiều nhân viên tàu bỏ qua xung đột với khách. Nhiều người nghĩ rằng, nếu tìm đến sự can thiệp từ giới chức, nó sẽ ảnh hưởng tới giờ tàu chạy cũng như gây ra bất tiện cho hàng nghìn hành khách.
Tạm thời, trước vấn nạn trên, các nhà khai thác tàu đang tìm cách để bảo vệ nhân viên và duy trì tàu chạy đúng giờ. Một số công ty phát cho nhân viên cà vạt dễ tháo khi xảy ra xung đột hay lắp các nút bấm khẩn cấp tại cổng soát vé để gọi người cứu trợ trong trường hợp xảy ra va chạm.