Các cố vấn thân cận đang đặt nhiều dấu hỏi trước chiến lược đối phó với Triều Tiên bằng cách nhờ cậy Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi.
Theo tờ New York Times nhận định, ông Trump đang đặt cược khi cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng gây sức ép buộc Bình Nhưỡng hạn chế hoặc từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận của phía Trung Quốc, Trump đã phải "hạ giọng" về thương mại cũng như có những hành động "nhượng bộ" trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều cố vấn của Tổng thống Trump cho rằng, sự nhượng bộ của ông Trump đối với Trung Quốc có thể sẽ không đem lại lợi ích.
Tính đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ động thái nào trong việc gia tăng áp lực lên Triều Tiên sau cuộc gặp lần đầu tiên hồi tháng 4 tại Palm Beach của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc gặp gỡ hồi tháng 4 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Việc Trung Quốc "không hành động" khiến một số quan chức Nhà Trắng vô cùng thất vọng. Quan chức nước này dự định sẽ nêu vấn đề với các đối tác Trung Quốc tại một cuộc họp cấp cao vào ngày 21/6 tới.
Hơn nữa, theo chuyên gia nhận định, chính quyền Trump đang trong tình trạng không có lựa chọn đối phó với khủng hoảng Triều Tiên. Và như vậy, Mỹ chỉ có thể tìm cách thỏa hiệp với giới lãnh đạo Triều Tiên.
Tờ New York Times đánh giá, chiến lược nhờ Trung Quốc đã từng nhiều lần thất bại dưới thời các tổng thống tiền nhiệm, "tuy nhiên ông Trump dường như khá quan tâm tới nó".
Hồi tuần trước, nhiều cựu quan chức Mỹ cho rằng, việc Mỹ điều nhà ngoại giao đến Triều Tiên đón sinh viên Otto F. Warmbier, người bị Triều Tiên bắt giữ hồi năm ngoái, sẽ đặt nền tảng cho những cuộc đối thoại khác giữa Triều Tiên và Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng hôn mê với thần kinh bị tổn thương nghiêm trọng đã khiến các triển vọng ngoại giao của Washington trở nên mù mịt.
Otto Warmbier bị bắt hồi năm ngoái vì cố tình ăn trộm biểu ngữ trong một khách sạn ở Triều Tiên. |
Tuy nhiên, theo chuyên gia, chính quyền Tổng thống Trump không có ý định thay đổi chiến lược đối phó với Bình Nhưỡng chỉ vì một cậu sinh viên. Một kịch bản dễ xảy ra nhất được đặt ra là, Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ được liên lạc bí mật một cách tối đa.
Thư ký Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Obama, ông Daniel R.Russel nhận định, "chính quyền Trump đã nhấn mnah, đây là phương pháp hữu hiệu hơn cả". Ông Daniel nhận định, "họ (chính quyền Tổng thống Trump) sẽ tìm hiểu xem cách tiếp cận chính thức và phi chính thức nào với Triều Tiên mang lại hiệu quả nhất".
Cũng theo trợ lý của Trump, thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, khi Moon Jae-in-người được đánh giá có tư tưởng thỏa hiệp thay vì đối đầu với Triều Tiên được bầu làm Tổng thống. Ông Trump cũng vô cùng tức giận khi Seoul quyết định ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên đất Hàn Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD. |
Trong thời gian vận động tranh cử, Trump đã dùng lời hứa sẽ đặt ra thách thức với Trung Quốc trước một loạt vấn đề để có thể bước chân vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chương trình hạt nhân của Triều Tiên có thể đã khiến Trump "tạm quên đi những tính toán ban đầu".
Hồi tháng 4, sau cuộc gặp định mệnh, ông Trump tuyên bố, "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trở thành đối tác của tôi trong nỗ lực kiềm chế lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un". Chỉ hai tuần sau đó, Bộ Tài chính Mỹ bác bỏ những nhận định nói Trung Quốc thao túng tiền tệ. Đây là điều mà ông Trump, suốt quá trình vận động tranh cử, luôn đề cập đến.
Cố vấn cấp cao về châu Á dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush, ông Michael J.Green nhận định, "việc Trump nghĩ rằng ông ấy đã thành công trong việc thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay đổi Chính sách thật đáng lo ngại".
Sự "kỳ vọng thái quá" của Tổng thống Mỹ đối với việc Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực lên Triều Tiên khiến Nhật Bản và các nước Đông Nam Á vô cùng bất an. Họ lo lắng, Trump có thể "làm ngơ" trước những hành động gây hấn mà Bắc Kinh thể hiện tại Biển Đông để lấy lòng đối tác.
Nhằm "thúc đẩy" Trung Quốc, một số quan chức chính quyền Mỹ cho rằng Washington sẽ cân nhắc áp đặt trừng phạt lên một số cá nhân và ngân hàng Trung Quốc có quan hệ làm ăn, kinh doanh với Triều Tiên. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, hành động này ẩn chứa nguy cơ gây leo thang căng thẳng Mỹ - Trung và làm rạn nứt mối quan hệ "bước đầu nồng ấm" giữa ông Trump và ông Tập.
Đặc phái viên về vấn đề Triều Tiên dưới thời Tổng thống Bush cho rằng, "Trung Quốc được cho là đang hành động nương theo thái độ của Tổng thống Trump và khiến ông ấy ngộ nhận". "Điều này đẩy ông Trump vào tình thế tồi tệ. Theo tôi, họ biết toan tính của ông ấy và muốn lợi dụng nó", ông này nhận định.
Nghiêm Thu (New York Times)