Việc Nga tuyên bố sẵn sàng đáp trả trước mọi cuộc tấn công của quân đội Mỹ nhằm vào Syria khiến giới chuyên gia đặt ra câu hỏi Moscow có những loại vũ khí gì để ngăn chặn "cơn mưa" tên lửa từ Washington.
Theo tin tức trên Tiền Phong đăng tải, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, quân đội Nga sẽ phá hủy các tên lửa, tàu chiến và máy bay mà Mỹ và đồng minh dùng để thực hiện các chiến dịch tại Syria nếu cuộc tấn công nhằm quốc gia Trung Đông này đe dọa tính mạng của các binh sỹ Nga đang đồn trú tại đây.
Câu hỏi đặt ra quân đội Nga sẽ đáp trả Mỹ và đồng minh bằng những các loại phương tiện chiến tranh nào?
Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga |
Đại sứ Moskva tại Lebanon Alexander Zasypkin ngày 11/4 đã cảnh báo, quân đội Nga bảo lưu quyền bắn hạ tên lửa và huỷ diệt các điểm phóng trong trường hợp Mỹ tấn công Syria. Đài truyền hình Al-Manar (Lebanon) dẫn lời ông Zasypkin nhấn mạnh rằng “các lực lượng Nga sẽ đối mặt với bất cứ hành động gây hấn nào của Mỹ với Syria, bằng cách đánh chặn tên lửa và tấn công các bệ phóng của họ”.
Quân đội Nga đang đóng quân ở hai căn cứ tại Syria là căn cứ không quân Hmeymim nằm gần thành phố cảng phía bắc Latakia và căn cứ hải quân ở thành phố ven biển phía bắc Tartus. Cả hai khu vực này đều được trang bị các tên lửa đất đối không tầm xa của Nga.
Trong đó, các hệ thống tên lửa S-400 đã được quân đội Nga triển khai tới gần căn cứ Hmeymim và tên lửa S-300VM chịu trách nhiệm bảo vệ căn cứ Tartus. Cả hai hệ thống tên lửa này có phạm vi hoạt động lên tới 400 km. Hiện nay, hai tên lửa S-400 và S-300VM của Nga được xem là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa hiện đại nhất thế giới, tin tức được đăng tải trên Vietnamnet cho biết.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình. Ảnh: Sputnik |
Hệ thống phòng không đất đối không S-400. Đây là hệ thống tên lửa cơ động tân tiến được lắp trên xe tải này được triển khai để bảo vệ căn cứ không quân Hmeymim ở tỉnh Latakia của Syria và căn cứ hải quân Tartus. Tính cơ động của hệ thống này đồng nghĩa với việc chúng có thể dễ dàng và nhanh chóng được triển khai tại các khu vực khác.
Được thiết kế để bắn hạ các máy bay quân sự, tên lửa và máy bay không người lái, hệ thống ra đa của S-400 có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600km. Mỗi xe tải có thể mang 4 tên lửa với tầm bắn khác nhau và các tên lửa có thể theo dõi nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Theo trang The Drive, Nga cũng đang duy trì hệ thống phòng không bờ biển Bastion-P, mỗi hệ thống bao gồm một lượng lớn các bệ phóng di động, mỗi bệ đặt 2 tên lửa P-800 Onik. Đây là loaị tên lửa chống hạm siêu thanh, có khả năng rẽ nước tiên tiến, chính thức được đưa vào lực lượng Nga tại Syria vào tháng 11/2016. Độ chính xác thực sự của loại vũ khí này thì vẫn chưa được giới quan sát quân sự nắm rõ, nhưng P-800 Onik sử dụng radar quét mục tiêu ở giai đoạn cuối của hành trình bay, cho phép tên lửa tìm kiếm và khoá mục tiêu tàu kể cả khi đang xuyên qua môi trường nước biển.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga tại căn cứ Hmeymim. |
Tên lửa Pantsir S-1 là tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung, cũng được lắp trên xe tải. Đây là loại vũ khí phòng không được cả quân đội Nga và quân đội chính quyền Syria sử dụng. Tên lửa Pantsir S-1 được Nga triển khai tại khu vực gần căn cứ Hmeymim và Tartus. Các tên lửa này đã từng được sử dụng tại Syria và có thể bắn hạ cả tên lửa hành trình.
Syria được cho là sử dụng nhiều hệ thống phòng không do Nga sản xuất, trong đó có hệ thống tên lửa đất đối không Buk M2, hệ thống này có thể đối phó với tên lửa hành trình, máy bay và máy bay không người lái.
Bên cạnh đó, Nga hiện sử dụng các hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm như hệ thống radar cảnh báo sớm trên không A-50 ở Syria. Đáng nói, hệ thống phòng không của Nga còn được tích hợp hoạt động với những loại vũ khí do Liên Xô cũ sản xuất mà quân đội Syria đang sử dụng.
Do đó, nếu Mỹ cố tình chọc thủng hệ thống phòng thủ của Nga ở Syria bằng “cơn mưa” tên lửa, hiệu quả của vụ tấn công này vẫn sẽ bị giảm thiểu đáng kể.
Theo nhiều nguồn tin quân sự tiết lộ, hiện tại hải quân Nga có hơn 10 tàu chiến và tàu hậu cần các loại đang triển khai ngoài khơi Địa Trung Hải và khu vực gần bởi biển Syria.
Trong số này có tàu ngầm và các tàu khu trục như Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Essen, được trang bị tên lửa hành trình. Theo một chính trị gia người Nga và qua phân tích ảnh chụp vệ tinh, hầu hết các tàu đã rời khỏi căn cứ hải quân Tartus “vì lý do an toàn”.
Một lựa chọn khác là điều máy bay ném bom tầm xa, nhiều khả năng là Tu-22M3, Tu-160M Thiên Nga Trắng, Gấu Tu-95M, mang theo tên lửa hành trình không đối đất Kh-55 và Kh-101 xuất phát từ Địa Trung Hải. Moskva từng sử dụng các máy bay chiến lược này, xuất phát từ căn cứ trong lãnh thổ Nga tham gia tấn công mục tiêu tại Syria. Nhưng trong trường hợp này, các quốc gia đồng minh của Mỹ có thể gây trở ngại không cho máy bay chiến lược Nga bay ngang không phận. Ngoài ra, việc sử dụng máy bay ném bom cũng dễ bị Mỹ phát hiện hơn.
Ngoài ra giới phân tích còn đánh giá khả năng Nga tận dụng cơ hội để biểu dương năng lực vũ khí mới. Không quân Nga từng tuyên bố họ đã trang bị tên lửa Kh-47M2 Kinzhal, một phiên bản không đối đất của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M, cho các đơn vị MiG-31 chuyên đánh chặn ở Quân khu Phương Nam Nga.
Trang Vũ (Tổng hợp)