Có 3 mẫu thuẫn khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng mất cân đối, thậm chí khủng hoảng.
Có nhiều nguyên do dẫn đến việc thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào tình trạng mất cân đối, dẫn đến khủng hoảng trong một thời gian dài, là chia sẻ của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, tại Đại hội Nhiệm kỳ II của Hiệp hội Bất động sản Hà Nội ngày 18/9.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Trần Nam, mâu thuẫn thứ nhất là giữa việc phát triển quá nóng so với hạ tầng xã hội đi kèm. Theo ông Nam, quy hoạch của chúng ta, rất tiếc là thiếu một "động tác" quan trọng, đó là có quy định cụ thể về vấn đề thời gian.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Ảnh: Internet |
“Chúng ta quy hoạch làm nhà chỗ này, chỗ này làm vườn hoa, nhưng không nói là bao giờ làm, không phân kỳ phân loại 5 năm làm chỗ này, 10 năm làm chỗ kia, có quy hoạch chung Thủ đô đến 2050. Các đô thị thành phố khác tương tự như thế. Có bao nhiêu đất trong quy hoạch là ra dự án hết”, ông Nam cho hay.
Việc phát triển quá nóng so với hạ tầng kỹ thuật xã hội đi kèm, theo ông Nam, đã khiến cho việc nhà ở giữa cộng đồng xa, không có giao thông, không có đường xá, không điện nước, không có hệ thống xử lý rác, trường hoc, bệnh viện nhà trẻ lại càng không. Và điều đó đã dẫn đến những cái bất hợp lý và mất cân đối.
Quang cảnh Đại hội lần thứ II của Câu lạc bộ BĐS Hà Nội. Ảnh: Giang Giang |
Sự mất cân đối thứ 2, theo nguyên Thứ trưởng, là mất cân đối giữa nguồn lực và nhu cầu. Ông Nam nói: “Chúng ta có khoảng 4.000 dự án, tổng số vốn đầu tư khoảng 4 triệu 600 ngàn tỷ, tương đương với 200 tỷ đô la. Song, mới chỉ giản ngân được có 7%, tương đương với 40 tỷ, nên tất cả đều dở dang”.
Sự mât cân đối thứ 3 là mất cân đối về cơ cấu hàng hóa. Dẫn số liệu thống kê gần đây nhất, ông Nam cho hay, bình quân đầu người của chúng ta mới chỉ sử dụng 20,6m2/đầu người.
“Nhưng nhà của ta hiện nay, các dự án vào khoảng 416 triệu m2, mỗi năm xây theo dự án khoảng 16. 17 triệu, chia ra 33 năm + 15 năm được xấp xỉ đến hơn năm 2050. Nên nhu cầu của chúng ta không phải lớn đến mức đầu tư lớn đến vậy. Ngoài ra, luật pháp không theo kịp, doanh nghiệp cũng nhỏ lẻ, nguồn lực tài chính cũng không theo kịp, nên xảy ra khủng hoảng là điều tất yu”, ông Nam nói.
Rút ra từ những bài học này, nguyên Thứ trưởng đề nghị, bước vào giai đoạn mới, CLB Bất động sản Hà Nội nói riêng cũng như Hiệp hội Bất động sản phải tăng cường các hội thảo nhằm tuyên truyền cơ chế Chính sách, tìm hiểu, phát hiện vấn đề, khuyến cáo hội viên của mình phát triển theo hướng lành mạnh, lâu dài và lấy lợi ích chiến lược, lợi ích của người dân, người tiêu dùng làm mục tiêu của mình.
“Như vậy thì sự hồi phục trở lại mới bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay.
Giang Giang