Trung Quốc vốn nổi tiếng là quê hương của hàng nhái. CNBC liệt kê danh sách những mặt hàng "điên rồ" nhất.
1. Công viên Disneyland giả?
Công viên giải trí Shijingshan Bắc Kinh bắt đầu mở cửa năm 1986 với câu quảng cáo “Disneyland không còn xa xôi”.
Với một tòa lâu đài mô phỏng lâu đài của công chúa ngủ trong rừng và những nhân vật hoạt hình như vịt Donald và 7 chú lùn, bạn sẽ được tha thứ nếu nghĩ rằng mình đang ở công viên Disneyland thật sự.
Năm 2007, Disney bắt đầu chú ý đến điều này và đàm phán với phía Bắc Kinh về vấn đề bản quyền. Tuy nhiên, năm 2011, tờ China Daily đưa tin công viên giải trí này thậm chí còn được mở rộng.
2. Cửa hàng của Apple
Khi blogger Jessica Angelson viết về nhiều cửa hàng Apple xuất hiện ở thành phố Côn Minh năm 2011, có lẽ cô không lường trước được bài báo đó sẽ có tác động như thế nào.
Kết quả là, 22 cửa hàng ở Côn Minh đã sử dụng nhãn hiệu của Apple trái phép.
3. Rượu giả
Có lẽ một trong những xu hướng sao chép đáng lo ngại nhất ở Trung Quốc là rượu giả. Sau một cuộc điều tra được thực hiện tháng 11/2014, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 100.000 chai rượu giả nhái theo những thương hiệu nổi tiếng như Johnnie Walker, Hennessy và Remy.
Một trong những mặt hàng bị nhái đáng lo ngại nhất tại Trung Quốc là rượu xa xỉ
Với những nguyên liệu như chất tẩy nhũ, dung dịch làm sạch và Methanol, đôi lúc các loại đồ uống này có thể gây chết người hoặc gây mù lòa hay hỏng thận.
4. Xe hơi nhái
Ở triển lãm ô tô Thượng Hải năm 2009, Geely – nhà sản xuất xe hơi Geely Ge đã cho ra mắt chiếc xe giống hệt một chiếc Rolls Royce. Điểm khác biệt lớn nhất là mức giá. Chiếc xe của Geely Ge chỉ có giá 44.550 USD trong khi giá của một chiếc Rolls Royce Phantom là 371.260 USD.
Tương tự, năm 2014 hãng Changan Auto và tập đoàn Jiangling Motor cũng đưa ra mẫu xe LandWind X7 (có giá 20.700 USD) giống hệt Range Rover Evoque (có giá từ 59.000 USD trở lên).
5. Vi mạch giả
Năm 2011, Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ phát hiện một lượng lớn vi mạch giả trong chuỗi cung ứng cho bộ Quốc phòng được nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
6. Giày Christian Louboutin giả
Christian Louboutin không còn xa lạ với các cuộc chiến pháp lý. Từ năm 2011 đến 2012, nhà sản xuất hàng hiệu này đã kiện Yves Saint Laurent về bản quyền mẫu giày cao gót có đế màu đỏ và thắng kiện.
Tháng 7/2012, Cục Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã thu giữ một số container gồm hơn 20.400 đôi giày Christian Louboutin nhái. Mỗi đôi giày này có giá 57.490 USD và do đó số tiền lên đến 18 triệu USD.
7. Thuốc giả
Thuốc giả vẫn là một vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc. Tháng 4/2014, đài RFI đưa tin Hải quan Pháp đã phát hiện 10 tấn thuốc giả trị bệnh tiêu chảy. Nguyên liệu được sử dụng là thuốc kháng sinh giả và đường.
50% số thuốc được bán trên mạng ở Trung Quốc là thuốc giả và một số thậm chí còn chứa chất độc.
8. iPed
Chào đời năm 2010, iPed là máy tính bảng có rất nhiều điểm giống với iPad của Apple. Thiết bị này được bán với giá khoảng 105 USD, và có mặt ở Trung Quốc trước cả khi Apple chính thức bán iPad ở Trung Quốc. Một chiếc Apple iPad Air 2 được hiện được bán với giá 590 USD.
9. McDonald, Pizza Hut nhái
Hàng nhái ở Trung Quốc phổ biến đến nỗi năm 2008. một công ty bất động sản quyết định tạo nên “phố shanzhai” (shanzhai trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là hàng giả, nhái) ở Nam Kinh.
Bạn có thể bắt gặp "Pizza Huh," "Bucksstar coffee" và "McDnoald's” ở Trung Quốc, theo Wall Street Journal
Wei Jia Liang Pi là chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng ở Bắc Kinh có nhiều điểm tương đồng với McDonald’s. Thậm chí logo của hãng giống như một chữ M chổng ngược. Tuy nhiên những người nghiên cứu về chỉ số Big Mac sẽ cảm thấy thất vọng vì ở đây chỉ bán bánh kẹp thịt lợn, mì lạnh và hủ tiếu.
Trang Vũ (tổng hợp)