Nấm Linh Chi bonsai, kiểng trái trồng chậu vừa ngắm vừa ăn là những thú chơi bạc triệu dịp tết được nhiều người ưa chuộng.
Nấm linh chi bonsai
Những chậu nấm linh chi bonsai đang là thú chơi mới của những người yêu cây cảnh và ưa "săn" hàng "độc" lạ đón Tết.
Mặc dù giá đắt đỏ nhưng linh chi bonsai đang là mặt hàng được nhiều người biết đến và bán khá chạy vào dịp giáp tết Ất Mùi.
Tùy vào số lượng cành, thế cây, bonsai đơn hay bon sai đôi và mức độ phức tạp kỹ thuật cắt ghép sẽ có các mức giá khác nhau. Nhìn chung, giá thấp nhất cho một chậu nấm linh chi bonsai là 700.000 đồng – 1 triệu đồng. Còn những cây có thế đẹp sẽ có giá gần chục triệu đồng.
Linh chi biểu tượng cho sự trường thọ, tài lộc và sức khỏe vì vậy dù giá cao nhưng vẫn hút khách mua.
Anh Kỷ - chủ một cửa hàng trên phố Thụy Khuê (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết trên báoDân Việt, những ngày bình thường cửa hàng anh bán được 2 – 3 chậu, thậm chí có ngày không bán được chậu nào. Tuy nhiên vào dịp giáp Tết, số lượng người mua hàng và đặt hàng tăng gấp đôi, gấp ba lần bình thường.
Lý do những chậu linh chi bonsai dù giá cao nhưng vẫn hút khách là vì nấm có mệnh mộc, sắc đỏ, mang đến cho chủ nhân sự may mắn, trường tồn. Khi trang trí trong phòng khách, bàn làm việc sẽ mang niềm vui, Bình An cho gia chủ.
Một cây linh chi bonsai có thế đẹp thì độ cao phải đủ, có tán nhỏ, và tán rộng. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá một linh chi bonsai đẹp hay xấu vì điều đó phụ thuộc vào thẩm mỹ của mỗi người.
Được biết, loại nấm linh chi bonsai đang là thú chơi mới của những người yêu cây cảnh. Tuy nhiên, kỹ thuật cắt ghép, nuôi trồng khá phức tạp nên nấm linh chi bonsai vẫn chưa phổ biến trên thị trường. Hiện nay, ở Hà Nội chỉ có một, hai cửa hàng bán linh chi bonsai.
Được biết, thời gian đầu nhân giống và tạo thế cho cây là giai đoạn khó khăn nhất. Khi đã tạo thành thế thì người chơi không mất thời gian chăm sóc nhiều. Vào mùa đông chỉ cần tưới nước từ 4 – 5 lần/ngày, mùa hè cần tưới 3 lần/ngày.
Mỗi linh chi bonsai này chơi được khoảng 5 – 6 tháng, sau đó sẽ khô dần nhưng vẫn giữ được thế cũ. Người chơi nếu không thích làm cảnh có thể cắt ngâm rượu, làm thuốc rất bổ.
Kiểng trái trồng chậu vừa ngắm, vừa ăn
Ở miền Tây, kiểng trái trồng chậu hiện nay được nhiều người ưa chuộng. Tại các vùng trồng hoa nổi tiếng ở miền Tây như Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp)..., nhiều chủ vườn cũng đưa các giống cây ăn quả vào trồng trong chậu. Theo đó, cây sẽ được tạo dáng, xử lý cho ra quả đúng dịp Tết.
Anh Đỗ Tiến Bình ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, cho biết trên báo Tri thức trực tuyến, mỗi năm, với việc tạo ra vài chục cây kiểng trái, thu nhập của gia đình anh lên đến vài chục triệu đồng. Năm nay, anh Bình tiếp tục đưa một số cây vú sữa, mận, ổi, bưởi vào.
Kiểng trái trồng chậu hiện nay được nhiều người ưa chuộng
Được biết, việc trồng cây kiểng cho trái trong chậu khó nhất là người trồng cần phải tinh ý nhìn ra những cây dáng đẹp, khỏe mạnh, phù hợp để tạo hình. Ngoài ra, công việc này nó cũng đòi hỏi phải có nhiều kỹ thuật trong khâu chăm sóc, xử lý để cây ra hoa, kết quả vào đúng dịp Tết.
"Thường một loại cây ăn trái muốn đưa vào chậu phải là những cây có nhiều quả như quýt, bưởi, vú sữa... Kinh nghiệm là phải chăm sóc ngoài tự nhiên trước khi cho vào chậu thì sản phẩm tạo ra mới có giá trị và đắt hàng", ông Định nói trên báo Tri thức trực tuyến.
Ngoài ra, người có kinh nghiệm trồng và chăm sóc kiểng trái cho biết cây khá khó trồng. Nếu không có kỹ thuật tốt, cây rất khó cho ra trái đúng thời điểm. Đây cũng là lý do các nhà vườn chỉ cung ứng một số lượng sản phẩm nhất định mỗi mùa.
Điểm đặc biệt của kiểng trái là người mua có thể vừa ăn, vừa chưng Tết. Càng có dáng đẹp, trái sai và màu sắc bắt mắt, giá bán kiểng trái càng cao. Hiện tại, mỗi chậu mận, bưởi, vú sữa, quýt hồng, ổi, khế có chiều cao khoảng 0,7 -1,2 m và cho 3-7 trái sẽ có giá bán từ 1,5 đến 3 triệu đồng.