Thông tin mới nhất trên Infonet, Lao Động cho hay liên quan đến việc Thưởng Tết bằng hiện vật, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định “người lao động có quyền từ chối nếu doanh nghiệp trả thưởng bằng sản phẩm dịch vụ mà họ không thích hoặc giá trị sản phẩm dịch vụ không đảm bảo bằng đúng tiền thưởng của mình”.
Theo đó, thay vì chỉ thưởng Tết cho người lao động bằng tiền, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, tại khoản 1, Điều 104, Luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua quy định, chủ sử dụng lao động không chỉ trả tiền thưởng bằng tiền mặt mà có thể trả bằng hiện vật và các tài sản khác có giá trị như tiền. Như vậy, có nghĩa là chủ sử dụng lao động có thể quy đổi tiền tưởng bằng hiện vật trả cho người lao động (NLĐ).
Hiện vật thưởng Tết có thể là hàng hóa hay dịch vụ của doanh nghiệp, các phiếu mua hàng… Quy định mới này đã nhanh chóng nhận được sự chú ý từ người lao động. Đa số người lao động cho rằng quy định này là không phù hợp.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi “không cảm thấy lo ngại về quy định này” bởi quy định tạo ra sự linh hoạt cho doanh nghiệp – có thể trong thực tiễn cuộc sống diễn ra mà NLĐ cũng muốn. Theo đó, DN có thể dùng sản phẩm thông qua NLĐ tiếp nhận để tiêu dùng cho gia đình hoặc nhượng cho gia đình người thân, người nhà thậm chí bán cho người khác.
Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh “Ở đây có một điều rất đáng lưu ý, nếu như doanh nghiệp trả sản phẩm đó không ngang bằng với giá trị tiền thưởng thì chính là đã cúp tiền thưởng của NLĐ.
Ví dụ tiền thưởng của NLĐ là 10 triệu thì sản phẩm đó phải bằng 10 triệu trở lên chứ không thể dưới 10 triệu. Đó là một nguyên tắc” .
Ông Lợi cũng cho hay Tết năm 2020 chưa áp dụng nhưng từ năm 2021 khi có hiệu lực thi hành thì Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn. Về nội dung này phải hết sức cẩn thận để đảm bảo giá trị thực tế của tiền thưởng cho NLĐ mà không được thấp hơn giá trị tiền thưởng.
Ông Lợi cũng thẳng thắn thừa nhận rằng cách thức trả thưởng như này có phần ưu điểm. Đó là nếu đảm bảo được giá trị thức, hoặc sản phảm đó, dịch vụ đó NLĐ cần thì rất tốt.
Nhưng vấn đề ở đây là sản phẩm đó và các dịch vụ đó NLĐ có mong muốn hay không? Ông Lợi khẳng định, DN không được ép NLĐ phải lấy. Theo đó, NLĐ có thể lấy bằng dịch vụ, sản phẩm hoặc bằng tiền. DN chỉ được trả sản phẩm đó khi nào NLĐ hoàn toàn thỏa mãn.
“Nghiêm cấm việc ép, trả sản phẩm, dịch vụ đó không bằng giá trị thực của tiền thưởng”, ông Lợi khẳng định.
Tuy nhiên, nội dung này đã được quy định trong luật nên các DN coi đó là cái cớ để họ “ép” NLĐ thì họ biết phải làm sao? Ông Lợi cho rằng, Nghị định của Chính phủ sẽ phải quy định rất rõ điều kiện như thế nào, cách thức, phương pháp trả ra sao.
“Tôi cũng đã đề nghị Bộ Lao động Thương binh và xã hội khi hướng dẫn thực hiện Bộ Luật Lao động phải có hướng dẫn rất cụ thể về vấn đề này.
Một là người sử dụng lao động phải hết sức lưu ý quan tâm đến tiền thưởng của NLĐ mà không bắt chẹt, bắt ép và làm giảm giá trị tiền thưởng của NLĐ.
Thứ hai, công đoàn hoặc tổ chức đại diện NLĐ tại DN phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Coi tiền thưởng cũng là khoản thu nhập mà chủ sử dụng lao động không được ăn bớt của NLĐ.
Thứ ba phải có cơ chế để thanh tra, kiểm tra xử lý khi DN không thực hiện đúng việc chi thưởng cho NLĐ bằng đúng giá trị tiền thưởng. Nếu DN trả mà đúng thứ tôi cần, tôi nhượng cho gia đình hoặc tôi đi bán ít ra bằng tiền thưởng thì quá tốt”, ông Lợi phân tích.
Ông cũng lưu ý “tránh tình trạng ép buộc NLĐ phải lấy sản phẩm đó mà NLĐ không có cách gì để tiêu thụ được sản phẩm đó và NLĐ không được hưởng lợi từ sản phẩm đó”.
Chính vì lý do này, ông Lợi khẳng định 'người lao động có quyền từ chối nếu doanh nghiệp trả thưởng bằng sản phẩm dịch vụ mà họ không thích hoặc giá trị sản phẩm dịch vụ không đảm bảo bằng đúng tiền thưởng của mình”.