Thông tin mới nhất trên báo Thanh Niên cho hay cuộc họp giữa Bộ LĐTB-XH, Phòng Thương mại -Công nghiệp VN (VCCI) và một số doanh nghiệp (DN) về góp ý dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã diễn ra vào hôm 16/9.
Theo đó, tại cuộc họp này đại diện cho giới sử dụng lao động và các DN đã phản bác đề xuất giảm giờ làm việc bình thường từ không quá 48h/ tuần xuống còn 44h/tuần mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị trước đó.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách VN, cho biết hiện nay ngành da giày đang sử dụng 1,5 triệu lao động, nếu làm việc 44 h/tuần thì phải tuyển thêm 10% lao động nhằm đáp ứng tốc độ sản xuất hàng hóa, đặc biệt là mùa vụ sản xuất cho khách hàng nước ngoài.
Người lao động sẽ phải tiếp tục làm 48h/ tuần như cũ. Ảnh: Internet
Mặc dù vậy, việc tuyển dụng lao động vô cùng khó khăn.
Sau khi nghe ý kiến đại diện các DN, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ không đưa đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn xuống dưới 44h/tuần vào dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) và giữ nguyên như quy định hiện hành là không quá 48h/tuần.
Trước đó, Giáo dục Thời đại đưa tin cho hay liên quan đến đề xuất này, đại diện người lao động đồng tình với đề xuất giảm giờ làm từ 48h xuống còn 44h/tuần.
Cụ thể, theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, với 48 giờ/tuần, thời gian làm việc bình thường của người Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới.
Ông Hiểu dẫn chứng cho biết, từ năm 1999, Việt Nam thực hiện chế độ làm việc 40h/tuần nhưng đến nay, chế độ này chỉ thực hiện đối với công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Hiểu đánh giá quy định này tạo ra khoảng cách và sự phân biệt lớn đối với những người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và NLĐ khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động.