Báo cáo cho thấy nợ công Việt Nam tính đến 2015 đã đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, con số này là quá cao, thậm chí còn tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP trong nước.
Theo thông tin đăng tải trên VnExpress, Dân trí cho biết, vừa qua tại báo cáo thẩm tra tình hình nợ công giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính-Ngân sách (UB TCNS) của Quốc hội đã đánh giá nợ công tính đến năm 2015 đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, bằng 62,2% GDP. Mặc dù con số này vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng với tốc độ tăng trung bình 18,4%/năm trong cả giai đoạn thì quá cao, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP.
Bên cạnh đó, VnEconomy cũng dẫn số liệu từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, hiện tại Việt Nam đang có mức nợ công/GDP cao hơn hẳn các nước trong ASEAN, gấp đôi một số nước và gấp rưỡi so với Thái Lan – nước đứng ngay sau Việt Nam. Đặc biệt, dự báo của IMF cũng chỉ rõ, Việt Nam là nước duy nhất có nợ công/GDP tiếp tục tăng lên gần 68% GDP đến năm 2020.
Nợ công năm 2015 đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Ảnh: Internet |
Một trong những nguyên nhân được UB TCNS chỉ ra liên quan đến tăng trường kinh tế không đạt kế hoạch đề ra, Chính sách tài khóa chưa tích cực, có sự mất cân đối trong thu-chi ngân sách Nhà nước dẫn đến bội chi trong nhiều năm.
Mặt khác, UB TCNS cho biết thêm, các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp Nhà nước cũng là một gánh nặng. Theo đó, khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì các khoản đó sẽ chuyển thành nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ. Do đó, nếu không quản lý chặt chẽ thì sẽ tạo thêm áp lực cho ngân sách.
Báo cáo cũng chỉ ra một số doanh nghiệp không sử dụng hiệu quả vốn vay ODA, làm tăng thêm nợ công Đơn cử là Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), khoản nợ 55.400 tỷ đồng của VEC đã chuyển thành nợ Chính phủ. Hay ngân sách phải ứng để trả thay khoản nợ cho Tổng công ty công nghiệp tàu thủy SBIC là 63.200 tỷ đồng, trả trong vòng 10 năm tới,...
Trong thời gian sắp tới, khi mà Việt Nam dừng nhận các khoản vay ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) thì tình hình nợ công sẽ thêm căng thẳng. Trước tình hình đó, UB TCNS đề nghị Chính phủ cần có chính sách đầu tư hiệu quả trong thời gian 4 năm sắp tới, ngoài ra cần quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn ODA nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và đảm bảo an toàn nợ công.
Hoài An (tổng hợp)