Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh là một trong những kiến trúc hoàng cung nổi tiếng từ thời cổ đại của Trung Quốc, đã trải qua 2 triều đại Minh và Thanh. Trong suốt thời gian này, Cố Cung còn phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, là tài sản quý giá của Trung Quốc. Vào thập niên 20 của thế kỷ trước, Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh đã bị đuổi ra khỏi nơi này.
Từ đó về sau, Tử Cấm Thành trở thành viện bảo tàng, muốn tham quan thì phải mua vé. Thậm chí Phổ Nghi, trong những năm cuối đời cũng phải mua vé mới được vào thăm "nhà". Theo sự phát triển của xã hội, Tử Cấm Thành dần trở thành một địa điểm du lịch tiêu biểu. Vô số người muốn tận mắt nhìn thấy Cố cung rộng 720.000 mét vuông.
Tử Cấm Thành chứng kiến vô số vinh quang của con người, đồng thời cũng chứng kiến biết bao nhiêu tiếng thở dài và nước mắt đau thương. Nó không chỉ là báu vật của dân tộc Hoa, mà còn là viên ngọc của nền văn minh loài người.
Đặc biệt, câu chuyện Tử Cấm Thành vào đêm sẽ có nhiều quạ đen tập trung là điều mà gần đây nhiều người thắc mắc. Vậy vì sao lại xảy hiện tượng kỳ lạ như vậy ở Tử Cấm Thành?
Theo quan niệm truyền thống của Trung Quốc xưa, quạ chính là biểu tượng của vận xui, đen đủi, chết chóc. Chúng đều thích những nơi có âm khí nặng, vậy hóa chẳng ra Tử Cấm Thành là nơi tích tụ những điều xui rủi. Tuy nhiên, trên thực tế nguyên nhân của nó lại khá đơn giản.
Như đã biết, có loài quạ ăn xác chết. Trong khi đó, Tử Cấm Thành là Hoàng cung qua các triều đại như Minh, Thanh,... luôn là vòng xoáy chính trị, đặc biệt là hậu cung. Hàng ngày nơi đây có rất nhiều các cuộc đấu đá sinh tử diễn ra. Rất nhiều người đã phải bỏ mạng tại chốn cung đình này. Xác của họ cũng bị vứt bỏ một cách vội vàng như: chôn dưới đất hời hợt, hoặc một số sẽ bị ném thẳng xuống giếng, dần dần xác chết phân hủy, hôi thối. Đó cũng là lý do thu hút số lượng lớn quạ bu bám ở đây.
Ngoài ra cũng có nhiều tương truyền đồn thổi rằng loài quạ đen được coi là loài chim thiêng của nhà Mãn Thanh, khi quân Mãn Thanh đánh nhau sắp thất thế, ý trời xui khiến một đàn quạ đen bay đến đậu kín người. Quân địch thấy thế nghĩ là đã chết nên bỏ đi. Nhờ vậy mà họ bảo toàn được tính mạng. Từ đó, con cháu Mãn Thanh đã lập đền, tôn quạ đen là thần điểu. Trong Tử Cấm Thành có rất nhiều cây cột cao gọi là Sách Luân Can, để đựng thức ăn cho quạ. Đàn quạ quen dần nên thường bay đến Tử Cấm Thành để tìm thức ăn rồi làm nơi trú ẩn từ đó đến nay.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia khoa học lý giải là do lối kiến trúc ở Tử Cấm Thành mới là nguyên nhân chính thu hút đàn quạ. Theo đó, đa số cung điện đều được xây dựng hướng mặt về phía Bắc - Nam, có ánh mặt trời chiếu rọi. Trong Tử Cấm Thành, mỗi sân sẽ có một bức tường riêng biệt. Chúng ngoài chức năng ngăn cách không gian còn có thể dùng để phòng cháy, đồng thời chống gió rét vào mùa đông. Do đó Cố Cung trở thành địa điểm lý tưởng cho đàn quạ thường xuyên bay tới.
Bí ẩn phổ biến nhất về Tử Cấm Thành là chuyện một nhóm du khách đến thăm nơi này vào một buổi chiều thì bất ngờ có mưa gió sấm sét. Khi đang trú mưa, họ thấy 5 cung nữ đi trên bức tường màu đỏ. Sau đó, các chuyên gia đưa ra lời giải thích khoa học cho hiện tượng này. Họ nói bức tường chứa sắt oxit, khi có sấm sét thì xảy ra hiện tượng cảm ứng từ. Trong quá khứ, có một nhóm cung nữ đã đi qua bức tường đỏ này vào ngày mưa nên đã được "chụp lại". Bức tường giống như một cuốn băng video, nếu sau này sấm chớp xuất hiện thì cuốn băng ấy được chiếu lại, cảnh các cung nữ được ghi trước đó sẽ xuất hiện.
Trước mỗi sảnh của Tử Cấm Thành đều có những con sư tử đá uy nghi, nhưng con sư tử đá trên cầu Đoạn Hồng thì khác. Nó ngồi xổm, gãi đầu và má, tay còn lại che "đũng quần", biểu cảm đau đớn. Tại sao con sư tử đá này lại khác với tất cả những con còn lại trong Tử Cấm Thành?
Truyền thuyết về sư tử đá này liên quan đến hoàng đế Đạo Quang. Khi đó, ông có ý định phong con trai cả của mình là Dịch Vĩ làm người kế vị. Tuy nhiên, Dịch Vĩ thất học, ghét học hành, thậm chí có lần còn mâu thuẫn với thầy giáo của mình.
Khi Đạo Quang biết được, ông tức giận gọi Dịch Vĩ đến khiển trách. Không ngờ cú đá của Đạo Quang trúng vào háng Dịch Vĩ, vài ngày sau thì hoàng tử này qua đời.
Sau này, khi Đạo Quang đi qua cầu Đoạn Hồng, thấy con sư tử lấy móng vuốt che háng lại nhớ tới Dịch Vĩ. Ông sai người dùng vải đỏ che con sư tử đá lại để tránh nhớ tới chuyện buồn. Từ đó, người ta đồn rằng con sư tử đá này là hóa thân của Dịch Vĩ. Không ai dám lại gần hay chạm vào nó vì sợ xui xẻo.