Tin mới

Tử Cấm Thành 'hữu danh vô thực', đây mới là nơi ở chính của các hoàng đế nhà Thanh

Thứ năm, 05/10/2023, 14:44 (GMT+7)

Chúng ta đều biết rằng Tử Cấm Thành là hoàng cung của các hoàng đế thời nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc. Trên thực tế, sang đến nhà Thanh, đây không phải căn nhà chính của hoàng gia.

Triều đình nhà Thanh ít khi ở lại Tử Cấm Thành, trong mười tháng mỗi năm, họ sẽ sống ở Viên Minh Viên (Cung điện Mùa hè cũ). Hoàng đế xử lý các bức điện thư, tiếp xúc với các sứ thần, thậm chí tổ chức cả các kỳ thi ở đó. Vì vậy, có thể nói, Viên Minh Viên mới là trung tâm chính trị của Đế chế nhà Thanh, trong khi Tử Cấm Thành thường là một thành phố vắng vẻ.

Hoàng đế nhà Minh ở Tử Cấm Thành rất thoải mái, vậy sao khi đến nhà Thanh lại không còn như vậy nữa?

Viên Minh Viên mới là nơi ở chính của hoàng gia nhà Thanh. Ảnh minh họa: Internet
Viên Minh Viên mới là nơi ở chính của hoàng gia nhà Thanh. Ảnh minh họa: Internet

Điều này có quan hệ mật thiết với việc hoàng đế nhà Thanh là người Mãn Châu. Mãn Châu đến từ miền Đông Bắc, nơi có mùa hè mát mẻ và dễ chịu. Vì vậy, khi triều đình nhà Thanh chuyển đến Tử Cấm Thành, họ nhanh chóng nhận ra đây không phải là một nơi tốt để sinh sống. Mùa hè ở Bắc Kinh nóng bức và khô cằn. Tử Cấm Thành thiếu nước và cây xanh, bức tường cao chắn ngăn không khí lưu thông. Cung điện giống như một cái lò lớn, hoàng đế và các phi tần dù đã sử dụng mọi cách để tránh nóng, chẳng hạn như treo màn tre lớn bên ngoài cửa sổ để chặn hơi nóng vào ban ngày, hoặc đặt những thùng đá lớn để làm mát trong phòng, nhưng vẫn cảm thấy khó chịu trong những ngày hè oi bức. Vua Ung Chính thậm chí còn bị say nắng khi sống ở đây. Ngoài ra, Tử Cấm Thành toàn là những dãy nhà và bức tường, không có cảnh đẹp tự nhiên. Người Mãn Châu, vốn quen với việc cưỡi ngựa và bắn cung trên đồng cỏ, cảm thấy chán chường và ngột ngạt.

Các hoàng đế nhà Thanh dành phần lớn thời gian sống tại đây. Chỉ đến khi mùa đông họ mới quay trở lại Tử Cấm Thành. Ảnh: Internet
Các hoàng đế nhà Thanh dành phần lớn thời gian sống tại đây. Chỉ đến khi mùa đông họ mới quay trở lại Tử Cấm Thành. Ảnh: Internet

Do đó, kể từ ngày chuyển đến Tử Cấm Thành, hoàng đế Mãn Châu đã bắt đầu tìm kiếm nơi ở mát mẻ hơn ở khắp mọi nơi. Đầu tiên là xây dựng một khu nghỉ dưỡng mùa hè ở Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, sau đó là Trường Xuân Viên trên bãi đất cũ của một hầu tước thời Minh, tại Bắc Kinh. Hoàng đế Khang Hy thường xuyên ở đó, "tránh ồn ào để nghe chính sự". Các quan lớn cũng mua đất và nhà ở gần đó, tạo nên thị trấn Hải Điến. 

Sau khi Ung Chính lên ngôi, ông mở rộng Viên Minh Viên, thường xuyên ở đó. Để tiện lợi, một khu vực văn phòng lớn được xây dựng phía nam Viên Minh Viên để các quan lớn giải quyết các công việc chính trị. Giống như Tử Cấm Thành, Viên Minh Viên cũng đặt tất cả các cơ quan trung ương của chính phủ nhà cùng nhiều tài liệu quan trọng.

Nhưng sau đó, Cung điện Mùa Hè đã bị phá hủy gần hết trong chiến tranh. Ảnh minh họa: Internet
Nhưng sau đó, Cung điện Mùa Hè đã bị phá hủy gần hết trong chiến tranh. Ảnh minh họa: Internet

Sau đó, Viên Minh Viên trở thành trung tâm chính trị của nhà Thanh, thời gian hoàng đế ở Tử Cấm Thành ngày càng ngắn hơn. Mỗi năm vào mùa đông, cả gia đình hoàng đế sẽ chuyển từ Viên Minh Viên về Tử Cấm Thành, ở trong hai tháng. Vào đêm trước của Tết Nguyên tiêu hàng năm, hoàng đế sẽ dẫn theo gia quyến và các quan lớn rời Tử Cấm Thành để trở về Viên Minh Viên. Ngọc tỷ tượng trưng cho quyền lực của hoàng gia sẽ được gửi trước đến Viên Minh Viên, long sàng và bát vàng cũng được mang theo. 

Từ năm 1707-1860, trong 153 năm, 5 vị hoàng đế nhà Thanh đã sống ở Viên Minh Viên nhiều hơn so với Tử Cấm Thành mỗi năm. Trong đó, Ung Chính, Đạo Quang và Hàm Phong mỗi năm sống ở đây hơn 200 ngày. Đạo Quang có lần ít nhất là 201 ngày, lâu nhất là 354 ngày.

Nơi hoàng đế thường xuyên ở là trung tâm của đế chế, Viên Minh Viên dù không có tên tuổi lịch sử như Tử Cấm Thành, nhưng sức nặng không hề thua kém. Chuyên gia về Viên Minh Viên, ông Lưu Dương từng nói, "Một Viên Minh Viên, nửa phần lịch sử nhà Thanh". Chuyên gia kiến trúc cổ điển Trung Quốc của Đại học Thanh Hoa, bà Guo Daiheng cho rằng, việc nói rằng nó chỉ chiếm nửa phần lịch sử nhà Thanh có lẽ là một cách nói khiêm tốn.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news