Bộ LĐTB&XH cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Lao động thương binh và xã hội phối hợp với ban quản lý KCN, khu chế xuất, liên đoàn lao động, tổ chức đại diện doanh nghiệp hướng dẫn các doanh nghiệp và NLĐ thực hiện nghị định Tăng lương tối thiểu vùng.
Cụ thể, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ hiện là mức thấp nhất để các bên thỏa thuận và trả lương cho người lao động.
Người đang được hưởng lương theo tuần, ngày, sản phẩm, lương khoán thì mức lương đang trả quy đổi trả lương theo tháng, theo giờ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Theo hướng dẫn, doanh nghiệp cần rà soát lại các thỏa thuận trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể, quy chế, quy định sử dụng lao động để có thể điều chỉnh mức lương phù hợp.
'Không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định', hướng dẫn nêu cụ thể.
Ngoài ra, bộ LĐTB&XH cũng đã nêu rõ các nội dung thỏa thuận, cam kết trong HĐLĐ, thỏa ước lao động hoặc thoả thuận hợp pháp có lợi cho NLĐ tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Những nội dung đang thực hiện như tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi học nghề, đào tạo cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện.
Cơ quan này cũng đưa ra lưu ý rằng các doanh nghiệp kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý vướng mắc phát sinh và hạn chế tranh chấp lao động, đình công cũng có thể xảy ra.
>>XEM THÊM: NÓNG: Đề xuất xây dựng luật về lương tối thiểu vùng
Cũng nhân dịp này, Công đoàn Việt Nam yêu cầu công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ song song với rà soát điều kiện lao động để chủ động đề xuất, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm thỏa thuận tiền lương, chế độ lao động có lợi nhất.
Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ và có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.
Theo đó, Nghị định nêu rõ, mức lương tối thiểu tháng sau khi tăng lần lượt là vùng I: 4,68 triệu đồng, vùng II: 4,16 triệu, vùng III: 3,64 triệu và vùng IV: 3,25 triệu đồng.
Đây cũng là làn đầu tiên Chính phủ quy định mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng gồm vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
>>XEM THÊM: NÓNG: Chi tiết nhóm đối tượng được tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7