Lệnh đóng cửa tất cả công ty Triều Tiên ở Trung Quốc tưởng như đã tiệm cận ranh giới cắt đứt quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và tài chính giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng.
Trước đó, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu một số mặt hàng xuất khẩu trọng yếu của Triều Tiên và cấm một vài ngân hàng của Trung Quốc có quan hệ hợp tác tín dụng và tài chính với Triều Tiên.
Trung Quốc có những động thái này không do tự nguyện mà bị bắt buộc bởi những nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) về trừng phạt Triều Tiên và bởi bị Mỹ thúc ép.
Thực tế đằng sau lệnh đóng cửa doanh nghiệp Triều Tiên tại Trung Quốc
Trong thực chất, biện pháp này của Trung Quốc đúng là có gây tổn hại cho Triều Tiên nhưng không nhiều và không cơ bản. Nó giúp Trung Quốc được danh nhưng không bị mất miếng. Vì 2 lý do sau.
Thứ nhất, nó động chạm đến nguồn đầu tư của Triều Tiên tại Trung Quốc, trong khi đầu tư trực tiếp của Triều Tiên vào hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài nói chung, và vào Trung Quốc nói riêng, đều không thể nhiều.
Triều Tiên đã bị LHQ và Mỹ bao vây cấm vận, trừng phạt suốt từ năm 2006 nên mọi hoạt động kinh tế đối ngoại của họ đều rất khó khăn. Khả năng tài chính của Triều Tiên để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bị hạn chế rất đáng kể.
Triều Tiên không thể không chú ý đến một thực tế là luôn phải đối diện với rủi ro lớn, đó là các đối tác sẽ hành xử như Trung Quốc hiện tại.
Số liệu liên quan đến đầu tư trực tiếp của Triều Tiên ở nước ngoài khó có thể thu thập được, khó kiểm chứng và thời sự hoá. Trung Quốc cũng không công bố con số về đầu tư trực tiếp của Triều Tiên vào Trung Quốc.
Theo hãng thông tấn Al-Jazeera, đầu tư trực tiếp của Triều Tiên vào Trung Quốc chỉ có khoảng 22 triệu USD. Vì vậy, tác hại thực tế của quyết sách mới của Trung Quốc đối với Triều Tiên không có gì là ghê gớm.
Thứ hai, Bắc Kinh tuyên bố đóng cửa các công ty Triều Tiên tại Trung Quốc, nhưng không đả động gì đến hoạt động đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở Triều Tiên. Các dự án hợp tác đầu tư về cơ sở hạ tầng và phi lợi nhuận cho tư nhân của Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Trung Quốc được loại trừ.
Theo công bố của Bộ Thương mại Trung Quốc, số liệu cho năm 2014 - thời điểm được coi là đỉnh cao trong quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, cho thấy Trung Quốc đầu tư trực tiếp khoảng 340 triệu USD vào Triều Tiên. Tổng giá trị tài sản của Trung Quốc ở Triều Tiên ước tính lên tới 630 triệu USD.
Con số này rất nhỏ đối với Trung Quốc nhưng không như vậy đối với Triều Tiên, và không bị ảnh hưởng gì bởi quyết sách mới của chính phủ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho (trái) cùng đồng cấp Trung Quốc, ông Vương Nghị (Ảnh: Reuters) |
Ba mục đích của Bắc Kinh
Thứ nhất, lệnh đóng cửa các doanh nghiệp Triều Tiên có thể ví như Trung Quốc "sắm quà" cho Mỹ trước chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump vào đầu tháng 11 tới.
Ông Trump luôn hối thúc Bắc Kinh gia tăng áp lực đối với Triều Tiên và coi việc Trung Quốc tăng hay giảm, cắt đứt hay duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Triều Tiêm là một trong những chìa khoá cho giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Mọi nhượng bộ của Trung Quốc trong Chính sách về Triều Tiên đều được phía Mỹ ghi nhận và đánh giá cao, vì giúp ông Trump tăng được cả thể diện lẫn uy tín cá nhân ở Mỹ. Trung Quốc có lợi ích to lớn trong việc làm cho chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Trump thành công, biểu lộ ra được bên ngoài hình ảnh hai nước có đồng thuận lớn hơn khác biệt quan điểm.
Cái khôn khéo của Trung Quốc ở đây là biến nhượng bộ thành món quà làm cho khách đến hài lòng mà chủ nhà không bị tổn hại thể diện hay bị coi là yếu thế.
Thứ hai, Trung Quốc khuếch trương hình ảnh tuân thủ nghiêm chỉnh những nghị quyết của HĐBA về trừng phạt Triều Tiên.
Bằng cách ấy, Trung Quốc tránh được áp lực quốc tế ngày càng tăng trong trường hợp Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa, cũng như khi căng thẳng Mỹ-Triều leo thang.
Thứ ba, Trung Quốc không chỉ duy trì mà còn từng bước tăng mức độ răn đe và cảnh báo Triều Tiên. Thông điệp của Bắc Kinh là Trung Quốc không "chuyển phe", nhưng Triều Tiên phải ý thức được giới hạn mà bước qua đó là sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, và Bắc Kinh có thể không nhân nhượng trước giới hạn đó.
Ngoài ra cũng có thể còn một lý do khác nữa là Trung Quốc phải làm vậy, là để duy trì vai trò trong vấn đề Triều Tiên trước khả năng Mỹ và Triều Tiên đi vào đối thoại trực tiếp với nhau.
Cho nên càng không thể là tình cờ khi Trung Quốc đưa ra quyết sách này ngay trước khi phía Mỹ cho biết là đã phát tín hiệu mời chào Triều Tiên đối thoại trực tiếp và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới Trung Quốc.