Theo Dân Trí, Người Lao Động và VTV News, tối 20/6, ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) vừa ghi nhận hai trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae), trong đó có một trường hợp tử vong.
Theo đó, ngày 19-6, cháu Sùng Thị H. (SN 2011, ngụ cụm 2, thôn 6, xã Quảng Hòa) được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở. Bệnh nhân sau đó tiếp tục chuyển biến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM. Đến sáng 20-6, cháu H tử vong do bệnh bạch hầu ác tính biến chứng vào tim.
Hiện tại còn một bệnh nhi 9 tuổi cũng đã dương tính với bệnh bạch hầu là hàng xóm thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi tử vong. Hiện bệnh nhi đã được đưa đến bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị.
Ngành y tế tỉnh cho biết khi có thông tin ca bệnh đã ngay lập tức triển khai nhiều biện pháp dập dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, sau khi nhận thông tin có ca bệnh bạch hầu đầu tiên tại xã Quảng Hòa, đơn vị đã triển khai ngay lập tức các giải pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Hiện tại CDC tỉnh Đăk Nông đã khoanh vùng, cách ly toàn bộ cụm 2 với 355 người dân. Tất cả mọi giao dịch được thực hiện tại chốt cách ly, không được ai ra vào cụm số 2 để ngăn ngừa sự phát tán dịch bệnh ra ngoài. Ngành y tế cũng đang điều trị dự phòng ngày thứ 2 cho người dân cụm số 2, tiến hành phun hóa chất khử trùng toàn bộ cụm dân cư và các địa điểm như trường học, trạm y tế xã.
Những điều cần biết về bệnh bạch hầu
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y Tế, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu có biểu hiện là viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
Ngoài ra, bệnh bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.