Hôm thứ Bảy (18/8), một người tị nạn Venezuela ở tuổi trung niên có tên Gabriel Malavolta đã bật khóc khi nhận ra ước mơ về một cuộc sống mới ở Peru của mình đã kết thúc, theo Reuters.
Người thợ máy 50 tuổi này đã rời khỏi Venezuela hôm thứ Tư (15/8). Ông muốn vượt qua Ecuador để đến Lima, thủ đô của Peru nhằm tìm tương lai mới, vì như lời ông nói, cuộc sống của ông ở quê nhà quá khốn khó, cuộc khủng hoảng ngày một chìm sâu khiến ông không tìm được kế sinh nhai.
Người dân Venezuela tìm thức ăn trong bãi rác. Ảnh: Internet |
Bắt đầu từ 12 giờ sáng ngày thứ Bảy, Ecuador đã áp dụng quy định mới cấm người Venezuela không có hộ chiếu hợp lệ nhập cảnh. Trước đây, người tị nạn Venezuela có thể nhập cảnh mà chỉ cần thẻ căn cước của quốc gia mình.
Malavolta có hộ chiếu nhưng vợ chưa cưới của anh chỉ có thẻ căn cước. Họ đến biên giới Ecuador chỉ 6 giờ sau khi quy định mới của nước này có hiệu lực.
“Tôi không biết chúng tôi sẽ làm gì tiếp theo, nhưng chúng tôi không thể quay trở lại. Tôi không thể để vợ chưa cưới của mình quay trở về để rồi chết đói”, ông nói.
“Bạn không biết nó như thế nào đâu, cả gia đình phải bới đồ ăn từ thùng rác”, ông nói về tình hình tuyệt vọng của người dân Venezuela ở quê nhà.
Venezuela: Hàng trăm nghìn người dân đổ xô qua biên giới mua thực phẩm |
Reuters cho hay, theo ước tính chính thức, đã có hơn một triệu người tị nạn Venezuela chạy sang Colombia trong 15 tháng qua. Và Ecuador cũng là điểm đến của rất nhiều người dân Venezuela, một đất nước từng rất thịnh vượng, nhưng nay lại lâm nạn dưới sự lãnh đạo của chính phủ theo đường lối cánh tả của Tổng thống Maduro.
Khoảng 300 người Venezuela đã xếp hàng tại đường biên giới vào đầu ngày thứ Bảy để tìm cơ hội vào Ecuador, tuy nhiên, cũng giống như vị hôn thê của Malavolta, nhiều người cho biết họ cũng không có hộ chiếu.
Chính phủ Peru cũng đã công bố các quy định di trú tương tự như Ecuador vào hôm thứ Sáu (17/8), nhưng tới ngày 25/8 mới có hiệu lực.
Một phụ nữ tên là Blanco đến biên giới lúc 11 giờ tối ngày thứ Bảy, cô cho biết mình cũng không có hộ chiếu, và thẻ căn cước của cô bị nhàu nát nên các quan chức biên giới ở Ecuador không chấp nhận.
“Họ không hiểu vấn đề. Chúng tôi bị ướt, chúng tôi phải ngủ ngoài đường”, cô nói.
Christian Kruger, người đứng đầu cơ quan di trú Colombia, cho biết hôm thứ Sáu (17/8) rằng Colombia đã linh động các quy tắc về vấn đề người di cư để chìa “bàn tay giúp đỡ” người tị nạn Venezuela.
“Chúng tôi đang nhận khoảng 3.000 người một ngày. Nếu họ vẫn đến đây, dân số khu vực này sẽ rất đông đúc”.
Chỉ trong năm nay, đã có 423.000 người Venezuela chạy sang Ecuador. Nhưng hiện tại đối với Blanco, Malavolta và vị hôn phu của mình, việc không có hộ chiếu có nghĩa là phải tìm nơi khác để tìm kiếm một khởi đầu mới.
Trang Vũ (tổng hợp)