Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một ngôi mộ cổ ở tỉnh Phúc Kiến. Điều đặc biệt là tấm bia trên ngôi mộ cổ có khắc chữ “Tề Thiên Đại Thánh” khiến nhiều người kinh ngạc.
“Tây Du Ký” là một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc, nhân vật trong tiểu thuyết được miêu tả vô cùng linh hoạt và sống động. Đại sư huynh Tôn Ngộ Không có trí huệ phi thường, bản lĩnh và thần thông trăm biến vạn hóa trừ yêu diệt quái đã trở thành thần tượng trong lòng mỗi độc giả.
Vào năm 2005, các nhà khảo cổ học phát hiện trong miếu Song Thánh Bảo Sơn ở tỉnh Phúc Kiến có một ngôi mộ cổ, ước tính rộng 2.9 m, sâu 1.3 m.
Ngôi mộ có hai tấm bia dựng thẳng ở chính giữa, bia bên trái có khắc chữ “Tề Thiên Đại Thánh”, bên phải khắc “Thông Thiên Đại Thánh”, phần dưới cùng của mỗi bia đều có hai chữ nhỏ “Thần vị”. Điều này khiến các nhà khảo cổ đặt ra câu hỏi, chẳng lẽ Tôn Ngộ Không thật sự tồn tại?
Ông Vương Ích Dân – quản lý của bảo tàng huyện Thuận Xương nghiên cứu phát hiện: Vào cuối thời Nguyên, nhà hí kịch người Mông Cổ là Dương Cảnh Hiền đã sáng tác bộ hí kịch “Tây Du Ký”.
Trong đó có đoạn tự bạch của Tôn Ngộ Không: “Tiểu Thánh đệ huynh tỷ muội ngũ nhân: Đại tỷ ly sơn lão mẫu, nhị tỷ vu chi chi, đại huynh tề thiên đại Thánh, tiểu Thánh thông thiên đại Thánh, tam đệ sái sái tam lang.” (Tạm dịch: 5 anh chị em của Tiểu thánh: Chị cả Ly sơn lão mẫu, chị hai bà mo Chi Chi, Đại huynh Tề Thiên đại Thánh, tiểu thánh Thông Thiên đại Thánh, Tam đệ Tam Lang hiếu động, đùa nghịch.) từ đó suy ra “Tề Thiên Đại Thánh” và “Thông Thiên Đại Thánh” chính là một đôi huynh đệ.
Ông Vương Ích Dân cho rằng, Ngô Thừa Ân là lấy cảm hứng từ bộ hí kịch này, hơn nữa còn đem toàn bộ bản lĩnh cao siêu vốn có của năm anh chị em trong truyền thuyết này tập trung vào Tôn Ngộ Không, làm thành một hình tượng anh hùng thần thoại để truyền tụng cho người đời sau.
Tuy nhiên, một số học giả tin rằng Tôn Ngộ Không là nguyên mẫu của nhà sư thời Đường là Thích Ngộ Không. Thích Ngộ Không là danh tính tục gia của một cư sĩ theo xe hầu tá Đường Tăng. Năm 751 sau Công Nguyên, ông theo phò tá Huyền Trang đi Tây phương, vì trở bệnh tại nước Gandhara (Kiền Đà La quốc) nên quay lại kinh thành năm 789.
Thích Ngộ Không đồng hành cùng Huyền Trang suốt 40 năm, tại phương Tây cùng tham gia phiên dịch và truyền giáo, để lại rất nhiều sự tích cùng truyền thuyết.
Theo như suy đoán phân tích thì thời gian xuất hiện ngôi mộ này sớm hơn so với “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân hơn hai thế kỷ.
Hoàng Nguyễn (tổng hợp)