Các nhà khoa học đã phát hiện ra một biến thể di truyền có thể bảo vệ con người khỏi béo phì. Theo đó, họ tìm thấy gene - được đặt tên rs2291007 - bằng cách nghiên cứu DNA của 790 người Tây Ban Nha.
Các chuyên gia cho biết khoảng 60% người châu Âu mang gene này mặc dù không phải tất cả họ đều giữ được vóc dáng mảnh mai. Những người mang gene này thường gây hơn những người không có. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tác động của nó trên chuột.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Alejo Efeyan cho biết: “Những con chuột mang biến thể này có ít chất béo hơn từ 10 đến 15% so với những con không mang. Nhưng đó chỉ là một khuynh hướng, không phải ai mang gene này cũng ăn hoài không béo".
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng những người mang gene này có ít mỡ cơ thể hơn, trọng lượng thấp hơn, vòng eo nhỏ hơn và nhiều cơ hơn những người không có.
Viết trên tạp chí Genome Biology, Tiến sĩ Efeyan nói thêm: " Béo phì có thể ngăn ngừa được, nhưng nguyên nhân của nó phải được hiểu sâu để có biện pháp phòng ngừa".
Các nhà khoa học tính toán rằng gene kiểm soát khoảng 20% trọng lượng cơ thể của một người, trong khi chế độ ăn uống và tập thể dục kiểm soát 80% còn lại.
Vào năm 2020, các nhà khoa học đến từ Áo, Canada, Estonia đã tìm hiểu nguyên nhân tại sao có những người ăn bất cứ thứ gì họ thích mà không bao giờ tăng cân. Theo đó, họ phát hiện những người bị thiếu hụt gene Anaplastic Lymphoma Kinase (ALK) có liên quan đáng kể đến sự gầy còm và khả năng chống tăng cân của cơ thể.
Sử dụng mẫu dân số Estonia gồm hơn 47.000 người, các tác giả của nghiên cứu đã thực hiện một loạt các nghiên cứu về mối liên hệ trên toàn bộ bộ gene. Bằng cách so sánh gene của những người đặc biệt gầy với những người có trọng lượng trung bình, họ có thể chọn ra ALK. Cho đến nay, ALK thực sự chỉ được biết đến với vai trò của nó trong một số bệnh ung thư bởi nó có xu hướng đột biến ở nhiều dạng bệnh K. Tuy nhiên, mục đích sinh lý của nó vẫn luôn là một bí ẩn.
(Theo The Sun)
>> Xem thêm: Lộ diện thủ phạm đứng sau đại dịch béo phì mà cả nhân loại đang chống chọi