Mới đây các nhà thiên văn học đã phát hiện ra ba "siêu trái đất" và một khối khí khổng lồ quay quanh một ngôi sao gần đó có tên HD 219134.
Theo tin tức trên Sci-news, sử dụng máy quang phổ HARPS-N của kính thiên văn Italian Telescopio Nazionale Galileo tại đài quan sát Roque de los Muchachos (quần đảo Canary, Tây Ban Nha), các nhà thiên văn học đã phát hiện ra ba "siêu trái đất" và một khối khí khổng lồ quay quanh một ngôi sao gần đó có tên HD 219134.
"Siêu trái đất" này chỉ cách chúng ta 21 năm ánh sáng gần hơn rất nhiều so với Kepler-452b, hành tinh được coi là "Trái Đất thứ hai" mà NASA công bố tuần trước.
Mô phỏng đồ họa hành tinh HD 219134b |
Theo các chuyên gia, "siêu trái đất" là khái niệm chỉ những hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, giống và có kích thước gấp 1 - 10 lần Trái Đất. Chúng có bề mặt đất đá và khí quyển mỏng.
HD 219134 còn được gọi là HR 8832 là một ngôi sao lùn có độ lớn thứ 5 nằm trong chòm sao Cassiopeia, cách chúng ta 21 năm ánh sáng. Ngôi sao này lạnh hơn một chút so với Mặt Trời và nhẹ hơn khối lượng của nó. Điều đặc biệt là chúng ta hoàn toàn có thể quan sát ngôi sao này bằng mắt thường.
Vị trí hành tinh HD 219134b |
Ngoài việc là một hành tinh đá, HD 219134b còn có nhiều lợi thế, đó là từ Trái Đất ta có thể nhìn thấy nó đi qua ngôi sao chủ. Điều này đặc biệt quan trọng vì kể cả khi sử dụng những kính viễn vọng hiện đại nhất chúng ta cũng không thể nhìn thấy các hành tinh ở khoảng cách xa. Chúng chỉ được phát hiện thông qua việc phân tích sự thay đổi quang phổ của ngôi sao chủ mà chúng đi qua.
Hệ thống hành tinh HD 219134 bao gồm một hành tinh khổng lồ bên ngoài và 3 "siêu Trái Đất" bên trong. Một "siêu Trái Đất" có tên HD 219134b gấp khoảng 4.5 lần khối lượng của Trái Đất và lớn hơn 1.6 lần. Nó quay quanh ngôi sao chính theo chu kỳ 3 ngày 1 lần.
Michael Werner, một nhà khoa học trong sứ mệnh Spitzer tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA tuyên bố “Hành tinh này sẽ là một trong những đối tượng được nghiên cứu nhiều nhất trong nhiều thập kỷ tới”.
T.V (tổng hợp)