Phó Đô đốc Thomas Moore, chỉ huy cấp cao Hải quân Mỹ đã hé lộ một "tuyệt chiêu" giúp lực lượng này nhanh chóng có được quy mô 355 tàu chiến như lời hứa của TT Trump lúc tranh cử.
Tung "tuyệt chiêu"
Hôm 01/06 vừa qua, khi trao đổi với báo giới ở Thủ đô Washington, vị Phó Đô đốc đã hé lộ rằng để nhanh chóng đạt được quy mô 355 tàu chiến thì bên cạnh việc đóng mới, có kế hoạch kéo dài niên hạn sử dụng của những con tàu hiện có bằng cách đầu tư mạnh cho việc bảo trì, bảo dưỡng.
"Tôi nghĩ điều các bạn cần biết là chúng tôi đang có ý định rất nghiêm túc về việc kéo dài niên hạn sử dụng của các tàu chiến hiện nay thêm 5 tới 10 năm nữa", Phó đô đốc Thomas Moore chia sẻ.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây có thể là "tuyệt chiêu" của Hải quân Mỹ khiến cho TT Trump hài lòng vì chí ít giải pháp này cũng giúp lời hứa đầu tư mạnh mẽ để lực lượng này có thể đạt quy mô 355 tàu chiến có thể sớm thành hiện thực.
Các tuần dương hạm Ticonderoga đang được lưu trữ tại căn cứ hải quân Philadelphia.
Trong bối cảnh ngân sách khá căng thẳng khi những đề xuất về việc tăng chi tiêu quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ không được Quốc hội hoàn toàn ủng hộ.
Trước đó, hôm 02/05/2017, một nhà lập pháp của Mỹ đã cho rằng, để đạt được quy mô 355 tàu, tăng mạnh tới 47 tàu so với hiện tại thì Hải quân Mỹ sẽ phải nỗ lực trong vài thập kỷ.
Nghị sĩ Rob Wittman, người đứng đầu một tiểu ban của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng để có được quy mô trên, Hải quân Mỹ sẽ phải mất từ 25 tới 30 năm, và quan trọng hơn:
"Mỗi năm sẽ phải tiêu tốn thêm từ 5-6 tỷ USD. Thách thức lớn nhất đối với chúng ta là nhìn vào con số 355 con tàu ấy và sau đó phải mổ xẻ chúng. Các nhà lập pháp sẽ phải cân nhắc về cấu trúc của Hải quân Mỹ sẽ như thế nào, những loại tàu nào (mà họ sẽ mua), bao nhiêu chiếc mỗi loại, nhiệm vụ của chúng là gì, được triển khai tới đâu?".
Cơ quan ngân sách Quốc hội Mỹ gần đây đã đưa ra một báo cáo rằng, nhanh nhất thì cũng phải đến năm 2035 Hải quân Mỹ mới có thể đạt được quy mô này, với điều kiện là ngân sách được bảo đảm và chi tiêu để duy trì và triển khai các hoạt động của Hải quân Mỹ cần tới trung bình 102 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn từ 2017 tới 2047.
Hải quân Mỹ biểu dương lực lượng.
Nhà thầu quốc phòng lo lắng
Trong một bối cảnh khác, các nhà thầu quốc phòng Mỹ trong lĩnh vực đóng tàu đang hết sức sốt sắng với kế hoạch tăng nhanh số lượng tàu hải quân.
"Tôi tin rằng có những yếu tố cản trở mục tiêu đạt được quy mô 355 tàu đúng thời hạn, nếu như không cân đối được giữa việc đóng mới và bảo trì bảo dưỡng", ông John Casey, phó chủ tịch điều hành Lĩnh vực Hàng hải của Tập đoàn General Dynamic phát biểu.
Tất nhiên, điều lo lắng này không phải không có lý, đóng nhiều tàu mới trong thời gian ngắn sẽ tạo ra nhiều việc làm, thêm lợi nhuận cho những hãng chế tạo, còn nếu đẩy mạnh bảo trì bảo dưỡng hơn thì tất nhiên là họ chẳng thể vừa lòng, mối hời lớn sẽ vuột khỏi tầm tay.
Hải quân Mỹ biểu dương lực lượng.
Nhưng dù gì, các nhà máy đóng tàu đang phải chuẩn bị nguồn nhân lực để theo kịp tốc độ phát triển quy mô của Hải quân Mỹ và đây cũng là một vấn đề khiến họ hết sức đau đầu khi thiếu hụt nhiều công nhân có tay nghề cao để thay thế những người đã về hưu.
Cuối cùng ông Casey cho rằng "nếu muốn có 355 tàu, chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ và phải tạo ra một sự khác biệt thật lớn".
Chưa biết tương lai của Hải quân Mỹ sẽ như thế nào, nhưng rõ ràng, ngân sách quốc phòng dù có tăng cũng sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu xây dựng một lực lượng hải quân vô cùng tham vọng của TT Trump.
Vì thế, nâng cấp, kéo dài tuổi thọ cho những con tàu vẫn còn đang hoạt động tốt là một giải pháp không tồi, nếu không nói là "tuyệt chiêu". Có như thế, trước sau gì Hải quân Mỹ cũng đạt 355 tàu, nhưng quan trọng tỷ lệ giữa tàu cũ và tàu mới là bao nhiêu, và có bao nhiêu "ông lão, bà lão" cần được nghỉ hưu nhưng vẫn phải kéo dài thời hạn phục vụ?