Xác ướp một con bò gần như còn nguyên vẹn sau khoảng 9 nghìn năm bị chôn vùi dưới lớp đất đóng băng.
Theo tin tức trên LiveScience, năm 2011, người dân trong bộ lạc Yukagir ở miền bắc Siberia đã phát hiện ra xác một con bò rừng thảo nguyên (Bison priscus), tổ tiên đã bị tuyệt chủng của loài bò rừng này ngày nay vẫn đang lang thang khắp các đồng cỏ ở Bắc Mỹ và Bắc Âu. Xác con bò rừng bizon gần như vẫn còn nguyên vẹn và được chuyển đến Viện Khoa học Yakutian ở Siberia, nơi các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi.
Những năm qua, một số xác ướp bò rừng khác cũng được phát hiện nhưng không không xác bò rừng nào được bảo quản tốt như xác bò rừng bizon Yukagir. Olga Potapova, người quản lý việc thu thập các xác ướp tại khu Hot Springs, Nam Dakota, cho biết, các cơ quan nội tạng của xác ướp này gần như hoàn toàn nguyên vẹn.
“Thông thường, bạn chỉ có thể tìm được một phần xác ướp động vật lớn ở Bắc Mỹ hay Siberia. Chúng đã bị ăn một phần hoặc bị phá hủy do chúng nằm trong lớp băng vĩnh cửu hàng ngàn năm”, Potapova cho biết trên Live Science, “Tuy nhiên, xác ướp này được bảo quản tốt chưa từng có”.
Xác ướp con bò rừng bizon gần như vẫn còn nguyên vẹn được phát hiện ở miền bắc Siberia.
Các nhà nghiên cứu nhận định, con bò rừng Yukagir này chết lúc 4 tuổi. Việc thiếu chất béo xung quanh vùng bụng của nó cho thấy nó có thể đã chết vì đói.
Tuy nhiên, ngoại trừ lớp chất béo, xác con bò rừng được bảo quản rất tốt. Tim, mạch máu, hệ tiêu hóa được tìm thấy tương đối nguyên vẹn, mặc dù một số cơ quan đã bị co lại đáng kể. Qua đó, các nhà nghiên cứu có thể lấy mẫu mô từ các bộ phận của nó, Potapova cho biết.
Bộ não của xác ướp này cũng được bảo quản rất tốt. Đây là lần đầu tiên các mô của não bò rừng bizon được tìm thấy còn nguyên vẹn. Được biết, bộ não của con bò đã được lấy ra khỏi hộp sọ để phục vụ cho một nghiên cứu khác. Theo Albert Protopopov, người đứng đầu phòng nghiên cứu của Viện Khoa học Yakutian, việc nghiên cứu về mô não cũng đang được tiến hành.
Ngoài bộ não, các nhà nghiên cứu cũng lấy những cơ quan nội tạng khác để nghiên cứu mô. Mục đích của nghiên cứu này là thu thập dữ liệu về loài bò rừng bizon cổ đại và sau này để so sánh với với loài bò rừng bizon ngày nay, Natalia Serduk, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Nga ở có trụ sở tại Moscow, cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng đặc biệt quan tâm đến các loài ký sinh trùng cổ đại trên loài bò rừng này, Serduk cho biết. Mặc dù ADN của nó không còn được bảo quản, các nhà nghiên cứu vẫn có thể sử dụng mô từ phổi, gan hay ruột của con vật này để xác định ADN ty thể của loài ký sinh trùng. ADN ty thể này có thể giúp xác định chính xác hơn rằng chú bò rừng này đã sống cách đây bao nhiêu năm.
“Việc giải phẫu, sinh lý và đặc điểm di truyền sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho chúng tôi để xác định môi trường sống, hoạt động cũng như tập tính của con bò rừng thảo nguyên này. Nếu thu thập được đầy đủ thông tin, chúng tôi sẽ có thể đưa ra những nguyên nhân thực sự dẫn đến sự tuyệt chủng của loài này”, Potapova nhận định.
Theo Song Tú/Nguoiduatin