Trong chuyến bay do thám quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes đã cảm thấy "sốc" khi thấy những gì ngư dân Trung Quốc đang làm.
[mecloud]wDCOxazE47[/mecloud]
Người dân Philippines nói với Hayes rằng ngư dân Trung Quốc cố tình phá san hô tại quần đảo Trường Sa. Một thị trưởng người Philippines trên đảo Palawan nói : "Người ta phá hủy suốt ngày đêm, từ tháng này qua tháng khác. Tôi nghĩ họ cố tình làm vậy. Cứ như thể họ đang trừng phạt chúng tôi bằng cách phá các rặng san hô.
Ban đầu, Hayes không tin, nhưng đến khi tận mắt chứng kiến, anh đã vô cùng ngỡ ngàng.
Khi chiếc máy bay nhỏ hạ cánh xuống đảo Pagasa do Philippines quản lý, Hayes nhìn qua cửa sổ và thấy hơn chục chiếc tàu đang đậu gần bãi san hô. Anh quay lại nói với người quay phim tên Jiro đi cùng: "Nhìn kìa! Đó chính là điều ông thị trưởng nói. Họ đang đào xới các rạn san hô".
Đến khi tiếp cận vùng nước, Hayes thấy người Trung Quốc neo tàu vào các rặng san hô và mở động cơ cực mạnh.
Phóng viên BBC hỏi người thủy thủ đi cùng: "Họ đang làm gì thế?"
"Họ đang dùng động cơ để kéo bẻ gãy rặng san hô", người này đáp lại.
Để kiểm chứng, Hayes lặn xuống nước. Anh chỉ có thể thấy một cánh quạt bằng thép đang quay ở cuối trục dài nhưng không thể nói chính xác việc phá hủy diễn ra như thế nào. Nhưng hậu quả thì rõ ràng. Toàn bộ san hô ở khu vực bị hủy hoại triệt để.
Các rạn san hô bị ngư dân Trung Quốc dùng cánh quạt của tàu hủy diệt. Ảnh: BBC |
Tiếp tục bơi, Hayes phát hiện san hô bị hủy hoại ở khắp các hướng, trải dài hàng trăm mét. Chưa hết ngỡ ngàng trước cảnh toàn bộ hệ sinh thái bị hủy diệt, Hayes phát hiện ra 2 kẻ săn trộm đeo mặt nạ và ống thở mang theo vật gì đó, cố ngoi lên từ lớp cát dày. Hayes thấy đó là một con sò khổng lồ, chiều dài cỡ khoảng 1 mét. Loại sò này rất quý, cỡ gần trăm tuổi và được bán với giá 1.000-2.000 USD/cặp.
Nhóm phóng viên BBC phát hiện ra một nhóm tàu đánh cá lớn đậu phía ngoài các rạn san hô. Ở đuôi tàu ghi chữ Trung Quốc lớn tên “Tanmen” – Đàm Môn. Đây là một cảng đánh cá ở đảo lớn của Trung Quốc.
Trở lại đảo Pagasa, một sĩ quan thủy quân lục chiến Philippines nói hoạt động phá hoại san hô đã diễn ra ít nhất 2 năm, suốt ngày đêm. Khi Hayes hỏi tại sao lính Philippines không phản ứng, sĩ quan này cho biết điều đó quá nguy hiểm, "chúng tôi không muốn khơi mào chiến tranh súng ống với Trung Quốc".
Và cho tới tận bây giờ, phóng viên BBC vẫn không hiểu được tại sao ngư dân Trung Quốc lại làm như vậy. Anh cho rằng có thể do lòng tham bởi việc đánh bắt trộm và buôn bán độc vật quý hiếm dễ hơn đánh bắt cá.[mecloud]UOEmc4ckJr[/mecloud]
Bảo Linh (theo BBC)