Lưu Thiết Nam, cựu Phó chủ tịch Ủy ban kế hoạch Nhà nước với nhiệm vụ chỉ đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị nhân tình tố cáo tham nhũng.
Theo những cáo buộc trên nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc xung quanh sự tồn tại của nhiều nhân tình nằm rải rác khắp đất nước và việc thừa nhận đã nhận hối lộ hàng triệu đô la, Lưu Thiết Nam đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc gắn mác “thoái hóa đạo đức” và buộc phải rời khỏi vị trí Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Hấp dẫn nhất là tình huống xảy ra quanh vụ bắt giữ Lưu Thiết Nam. Một bản tin được lưu hành rộng rãi xong chưa được xác nhận của Trung Quốc cho biết cảnh sát đã tìm thấy nhiều vé máy bay và hộ chiếu giả - trong đó có một hộ chiếu đi Úc – cùng với chỗ cất giấu vàng miếng, ngọc bích và kim cương hiếm trong nhà ông này.
Lưu Thiết Nam tại tòa
Ngày hôm nay, Lưu Thiết Nam xuất hiện trước tòa án Nhân dân Trung cấp Langfang, phía bắc tỉnh Hà Bắc trong bộ dạng tiều tụy sau hơn 1 năm bị bắt.
Các thủ tục tố tụng của vụ án được đưa trực tiếp lên trang Weibo chính thức của tòa. Đây là dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ án này cũng như việc tối đa hóa sự chú ý đối với chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc.
Tại tòa, các công tố viên cho biết Lưu Thiết Nam đã nhận hơn 35 triệu nhân dân tệ (6,4 triệu USD) tiền hối lộ từ năm 2002 để phê duyệt kế hoạch quy hoạch cho các doanh nghiệp địa phương. Trong một số trường hợp, con trai ông là Liu Decheng, đồng bị cáo trong phiên tòa, đã thay mặt cha nhận hối lộ
Lưu Thiết Nam đã thú nhận tất cả tội danh bị cáo buộc và có “thái độ tốt” khi hợp tác với các cơ quan điều tra.
Trong tháng 7, cảnh sát Trung Quốc đã phát động chiến dịch “Săn cáo 2014”, bắt giữ 71 quan chức tham nhũng từ nước ngoài. Chiến dịch này diễn ra sau khi 151 vụ bắt giữ tương tự bị bắt giữ hồi năm ngoái. Bộ Công an Trung Quốc cho biết có 810 tội phạm kinh tế đã được đưa trở về nước từ 60 quốc gia từ năm 2008.
Một báo cáo của Viện Khoa học và Xã hội Trung Quốc cho thấy có từ 16.000-18.000 đảng viên tham nhũng bị mất tích hoặc bỏ trốn ra nước ngoài từ giữa những năm 1990 đến 2008 gây thiệt hại hàng tỉ đô la cho nền kinh tế. Mỹ, Canada và Úc là những điểm đến phổ biến nhất cho quan chức chạy trốn.
Bảo Linh/Người đưa tin (Theo smh)