Sáng 18/10, một phái đoàn quan chức Nhật Bản đã tới viếng đền Yasukuni. Động thái này đã khiến Hàn Quốc và Trung Quốc "quan ngại sâu sắc".
Đền chiến tranh Yasukuni bị Hàn Quốc và Trung Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Ảnh: Getty |
Reuters đưa tin 85 nghị sĩ Nhật Bản từ các đảng phái khác nhau đã đến viếng đền chiến tranh Yasukuni tại Tokyo nhân dịp lễ hội mùa Thu.
Theo TTXVN, các quan chức đến thăm đền có nghị sĩ Hạ viện Keiji Furuya - Chủ tịch Ủy an Chiến lược bầu cử của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền; cựu Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Hiroshi Hase cũng thuộc LDP; Thượng nghị sĩ Yuichiro Hata - cựu Bộ trưởng Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông Vận tải và Du lịch thuộc đảng Dân chủ (DP) đối lập chính. Ngoài ra còn có Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Yasuhisa Shiozaki, Chủ tịch Hạ viện Tadamori Oshima và Chủ tịch Thượng viện Chuichi Date mang cả đồ cúng lễ.
Trước đó ngày 17/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi lễ vật đến viếng Đền Yasukuni.
Theo Reuters, Hàn Quốc dã bày tỏ "quan ngại sâu sắc và thất vọng" về chuyến thăm đền Yasukuni của quan chức Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ra tuyên bố: "(Chúng tôi) kêu gọi các chính trị gia Nhật Bản lấy lại lòng tin của các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế bằng việc thể hiện nhìn nhận đúng đắn về vấn đề lịch sử và thể hiện sự hối lỗi, suy nghĩ nghiêm túc về lịch sử quá khứ".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, cũng bày tỏ quan ngại trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi hy vọng các chính trị gia Nhật Bản nên nhìn lại lịch sử và có hành động cụ thể để lấy lại lòng tin và tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau với các nước láng giềng châu Á".
Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong đó có các tội phạm chiến tranh hạng A. Việc lãnh đạo và quan chức Nhật Bản đến thăm và gửi đồ viếng tới đền luôn nhận được chỉ trích từ các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc. Hai quốc gia này coi ngôi đền là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật và hành động thăm viếng là thái tưởng nhớ tội phạm chiến tranh.
Bảo Linh (tổng hợp)