(Tinmoi.vn) Hôm nay (7/7), Trung Quốc đã tổ chức kỷ niệm 77 năm "kháng chiến chống Nhật" với quy mô lớn chưa từng có, một động thái được đánh giá là khoét sâu vào những mâu thuẫn trong bối cảnh quan hệ Trung - Nhật đang ngày càng căng thẳng.
Tân Hoa Xã ngày 7/7 đưa tin, hôm nay là dịp kỷ niệm 77 năm ngày bắt đầu chiến tranh Trung - Nhật mà Bắc Kinh gọi là kháng chiến chống Nhật, các quan chức hàng đầu của Trung Quốc đã tham dự hoạt động kỷ niệm quy mô lớn tổ chức tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tham dự và có bài diễn văn được tường thuật trực tiếp trên truyền hình cũng như các báo điện tử lớn.
Mở đầu bài diễn văn, ông Tập Cận Bình khẳng định mục đích của lễ kỷ niệm là để khắc ghi lịch sử, tưởng nhớ tiền nhân, trân trọng hòa bình, cảnh tỉnh tương lai, kiên định theo đuổi con đường phát triển hòa bình, bảo vệ hòa bình thế giới.
Tờ Arirang News của Hàn Quốc cho biết, ngày 7/7/1937 quân đội Trung Quốc và Nhật Bản đã tham gia một trận chiến tại cầu Lư Câu mở đầu cuộc chiến tranh Trung - Nhật. Chính phủ Trung Quốc vẫn tổ chức kỷ niệm ngày này hàng năm, nhưng năm nay có quy mô lớn chưa từng có.
Trung Quốc tổ chức kỷ niệm 77 năm "kháng chiến chống Nhật" với quy mô lớn chưa từng có
Trong bài phát biểu của mình, Tập Cận Bình nói về "dã tâm bành trướng thôn tính toàn Trung Quốc bằng vũ lực của kẻ xâm lược Nhật Bản", đồng thời ca ngợi "tinh thần chiến đấu ngoan cường" của quân và dân Trung Quốc cũng như vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Bình tuyên bố, trong lúc người dân Trung Quốc kỷ niệm 77 năm nổ ra chiến tranh Trung - Nhật "vẫn có một số người lờ đi sự thật lịch sử, lờ đi vô số sinh mạng bị chiến tranh cướp đi, lội ngược dòng lịch sử, phủi sạch trơn trách nhiệm thậm chí còn tô hồng lịch sử xâm lược khiến toàn bộ nhân loại yêu chuộng hòa bình phải chỉ trích gay gắt".
Có thể nhận thấy rõ ràng, những tuyên bố của ông Tập Cận Bình đang hướng vào Nhật Bản, quốc gia vừa quyết định diễn giải lại điều 9 Hiến pháp, cho quân đội được phép tham chiến ở nước ngoài khiến Trung Quốc như "ngồi trên đống lửa".
Việc Trung Quốc tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô lớn nhất từng có trong bối cảnh quan hệ Trung - Nhật đang xấu đi cho thấy, dường như Bắc Kinh đang muốn dùng lịch sử để khoét sâu vào mối hận thù dân tộc.
Tuy nhiên, đưa ra chỉ trích Nhật Bản trong thời điểm Trung Quốc đang hung hăng gây hấn trên Biển Đông, xâm phạm lãnh hải của các nước láng giềng, vậy quan điểm của Trung Quốc liệu có thể đảm bảo bao nhiêu phần trăm tính xác thực? Bao nhiêu quốc gia trên thế giới tin tưởng? Những thực tế đang diễn ra hiện nay chỉ chứng tỏ một điều rằng lý lẽ ngụy biện "tôn trọng sự thật lịch sử để kiên định con đường phát triển hòa bình" của Bắc Kinh khó ai có thể chấp nhận được.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài diễn văn được tường thuật trực tiếp trên truyền hình cũng như các báo điện tử lớn
Không chỉ giới lãnh đạo, truyền thông Trung Quốc cũng "vào hùa" khơi lại hận thù dân tộc trong quá khứ, đẩy mối quan hệ hai nước vốn đang xấu đi ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Hôm 6/7, Tân Hoa xã đã đăng bài bình luận với nhan đề "Ghi nhớ cảnh báo lịch sử: Bảo vệ hoà bình và chính nghĩa", nhấn mạnh cần cảnh giác mối đe dọa của chiến tranh xâm lược-kẻ thù chung của loài người, kêu gọi mọi người đóng góp lớn hơn cho sự nghiệp bảo vệ hoà bình và chính nghĩa của thế giới, thúc đẩy văn minh và tiến bộ của loài người.
Bài báo này cho rằng, Nhật Bản phạm tội chiến tranh đối với các nước châu Á nói riêng và thế giới nói chung, trong đó có Trung Quốc, trong Thế chiến 2, chẳng những không phản tỉnh, ăn năn hối lỗi mà còn sùng bái tội phạm chiến tranh, "chiêu hồn" cho chủ nghĩa quân phiệt, thách thức trật tự hoà bình được xác lập sau Thế chiến II, làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ Trung-Nhật, đe dọa đến tình hình an ninh khu vực cũng như hoà bình và ổn định của thế giới. Tân Hoa xã bình luận "Thế lực cánh hữu Nhật Bản và Chính quyền Abe bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của trong và ngoài nước, rắp tâm sửa đổi và bóp méo Hiến pháp hoà bình chỉ phòng thủ, dỡ bỏ lệnh cấm thi hành quyền tự vệ tập thể".
Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa Việt Nam, một biểu hiện minh chứng cho "thuyết trỗi dậy hòa bình" của Bắc Kinh
Kết thúc bài bình luận này, người viết cảnh báo nếu Chính quyền Abe không thể nhìn thẳng vào lịch sử, tiếp tục trượt xa trên con đường sai lầm và nguy hiểm, tất sẽ đi lên con đường chủ nghĩa quân phiệt không có ngày về.
Chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản thế kỷ 20 là sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận. Chính người dân Nhật cũng từng ám ảnh triền miên trong nhiều năm liền vì "bóng ma chiến tranh". Lịch sử đã là quá khứ, không ai có quyền phủi sạch nó, nhưng khơi gợi lại quá khứ để khoét sâu mâu thuẫn dân tộc, khơi dậy oán hận chỉ là một "hạ sách" trong thời đại hòa bình ngày nay.
Thay vì nỗ lực cho một nền hòa bình, an ninh toàn cầu mà Trung Quốc liên tục rêu rao, hành động thực tế "ỷ mạnh hiếp yếu" của Bắc Kinh chỉ càng chứng tỏ tư tưởng bành trướng, coi thường luật pháp, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và thế giới của họ. Mỗi người dân dù là người Nhật Bản, Trung Quốc hay bất cứ dân tộc nào cũng đều mong muốn chung sống hòa bình, căm ghét chiến tranh, bạo lực, bởi vậy, nếu giới lãnh đạo quốc gia nào biết tôn trọng luật pháp quốc tế, hành xử đúng mực thì chẳng cần phải tuyên truyền về con đường phát triển hòa bình, công luận và lịch sử vẫn cứ ghi nhận đóng góp của họ cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Yên Yên