Sâu chít được xem là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam. Chính vì thế, nó được các bà nội trợ rất ưa chuộng và tìm mua để bồi bổ sức khỏe cho các đức lang quân.
Trong môi trường tự nhiên của Việt Nam có khá nhiều loại côn trùng có tác dụng rất tốt cho sức khỏe con người, chúng còn được sử dụng như một vị thuốc nam khá hiệu quả. Một trong số đó là “sâu chít”, côn trùng này được gọi là dược liệu quý của tự nhiên.
Trao đổi trên báo Khoa học & Đời sống, DS Đỗ Huy Bích, cho biết, sâu chít là một loại ấu trùng, nó có chiều dài khoảng 35mm, màu vàng ngà, sống trong thân cây chít hoặc cây đót, cây le. Chúng chủ yếu xuất hiện vào mùa đông, những cây có chứa sâu chít thường ngừng sinh trưởng vì bị chúng cắn đục thân cây.
Từ lâu sâu chít đã được cho là “đông trùng hạ thảo” (một loại dược liệu quý của Trung Quốc) của Việt Nam, nó được chú ý khi có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tráng dương,…
Sâu chít thường được tìm thấy nhiều tại Điện Biên và các vùng Tây Bắc. Tại đây, người dân thu hoạch sâu chít trong những cây chít bị cụt ngọn, sau đó cắt ngang thân ở phía trên khoảng 50-60cm, chẻ đôi, lấy sâu ra. Để biết cây nào có sâu chít, người dân có kinh nghiệm sẽ chọn những cây có dấu hiệu bệnh như không thể ra hoa.
Sâu chít thường được dùng để ngâm rượu, bồi bổ sức khỏe cho đấng mày râu. Ảnh: Khoa học & Đời sống |
Sâu thường được dùng phổ biến nhất là ngâm rượu, những con sâu chít tươi rói màu trắng sữa, căng mọng được thả trong hũ rượu nhạt, loại rượu này giữ nguyên hương vị của sâu, không làm sâu biến chất. Rượu ngâm lâu sẽ xuất hiện một lớp chất béo nổi trên bề mặt, nên trước khi dùng phải lắc đều lên.
Ngoài cách dùng phổ biến là ngâm rượu, sâu chít còn có thể sao khô, xào, nấu với trứng hoặc hầm thịt như một món ăn thông thường. Sâu chít nhanh chóng trở thành niềm tự hào của người dân Tây Bắc.
Hiện nay, sản phẩm rượu sâu chít và thịt sâu chít là những mặt hàng được tiêu thụ khá mạnh cho khách hàng miền xuôi.
Theo thông tin trên Vietnamnet, chị Hà một mối chuyên bán sâu chít ở Hà Nội, cho biết, mặt hàng này đang bán rất chạy, chị phải thường xuyên đặt hàng ở Điện Biên để kịp hàng cung cấp cho khách. Mỗi ngày trung bình chị bán hết 200 bó sâu chít các loại.
Một bó sâu chít như thế này có giá 85.000-120.000 đồng. Còn loại đã chẻ có giá lên đến 1 triệu đồng/kg. Ảnh: Vietnamnet |
Một bó sâu chít 100 ngọn có giá dao động từ 85.000 đến 120.000 đồng. Còn loại đã chẻ, tách riêng sâu ra có giá đắt hơn, từ 950.000 đến 1 triệu đồng/kg. Vì việc chẻ sâu chít khá lâu và không phải ai cũng làm được nên các khách hàng ở Hà Nội thường bỏ thêm 20.000 đồng nhờ người bán chẻ dùm.
Người buôn sâu chít không có khái niệm lỗ vốn, vì loại sâu này sống lâu mà không bị hư hỏng. bBn cạnh đó, mặt hàng sâu chít khô cũng bán được giá, vào khoảng 800.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, với thực tế sâu chít được săn đón và có giá cao nên trên thị trường đã dần xuất hiện sâu chít giả. Theo đó, người bán thường trộn lẫn loại sâu tre vào hàng, vì sâu tre có hình dáng gần giống sâu chít.
Để tránh mua phải sâu chít giả, người mua nên mua sâu chít tươi có theo mùa. Thông thường mùa sâu kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng 12, sang tháng 2-3 sâu đã ít hẳn.
Hoài An (tổng hợp)