Nhân vật này khiến một người quyền lực như Từ Hy cũng phải kiêng nể. Sự kiêng nể ấy không chỉ do xuất thân mà bắt nguồn từ thái độ làm người của bà.
Vào những thập niên cuối thời Vãn Thanh, Tây Thái hậu Từ Hy được coi là người nắm quyền chân chính của vương triều. Có trong tay quyền lực tột đỉnh, vị Lão Phật gia này từng thẳng tay thanh trừng không ít kẻ khiến mình "chướng tai gai mắt".
Bấy giờ, có một người chưa từng sợ hãi quyền uy của Từ Hy, thậm chí còn nhiều lần chỉ trích bà thẳng mặt. Nhưng điều kỳ lạ nằm ở chỗ, vị Thái hậu "thét ra lửa" ấy không những không hạ thủ với người này mà còn vài phần nể sợ.
Nhân vật ấy chính là Vinh Thọ công chúa – vị công chúa cuối cùng của vương triều Đại Thanh.
Công chúa cuối cùng của triều đại nhà Thanh và những ngoại lệ hiếm hoi
Chân dung Vinh Thọ - vị công chúa cuối cùng của nhà Thanh. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Vinh Thọ công chúa (1854 – 1924) là con gái lớn của Cung Thân vương Dịch Hân.
Kể từ khi Từ Hy buông rèm nhiếp chính, Dịch Hân đã trở thành cánh tay đắc lực của bà. Tây Thái hậu trọng dụng Cung thân vương, cũng hết lòng sủng ái con gái lớn của ông, còn cho vào cung sống chung.
Năm Hàm Phong thứ 11, trưởng nữ của Dịch Hân được ban chiếu chỉ phong làm Vinh Thọ công chúa. Vào những năm Quang Tự, Vinh Thọ công chúa tiếp tục được tấn phong thành Vinh Thọ Cố Luân công chúa, hưởng kiệu vàng, nhận bổng lộc lên tới 800 lượng bạc trắng.
Theo "Thanh sử cảo" ghi chép, Vinh Thọ là vị công chúa cuối cùng của vương triều Đại Thanh. Mặc dù không phải là con gái Hoàng đế, nhưng bà vẫn là vị công chúa được hoàng thất và các đại thần vô cùng kính trọng.
Trong lịch sử Đại Thanh, Vinh Thọ là vị cách cách hiếm hoi được quyền tự mình chọn phu quân.
Sử cũ ghi lại, vào năm Vinh Thọ 12 tuổi, Từ Hy đã cất công xem xét các quý tử của vương công, đại thần, từ trong số đó chọn ra 3 vị công tử sáng giá nhất.
Vào ngày xem mắt, công chúa được bố trí ngồi trong một gian phòng, phía trước có buông rèm trúc, bên ngoài là 3 thiếu niên xuất thân danh gia vọng tộc.
Cũng trong buổi xem mắt hôm ấy, vị công chúa ấy đã chọn ra được người thành thân cùng mình. Đó chính là Phú Sát Chí Đoan, con trai của vương công Mãn Thanh là Phú Sát Cảnh Thọ.
Vị công tử này xuất thân danh giá, lại ôn hòa, lịch sử, hiếu học. Lễ thành hôn của hai người diễn ra một cách thuận lợi, không hề có bất kỳ dị nghị hay trở ngại nào.
Mặc dù quyền tự do hôn nhân của Vinh Thọ rất có hạn, bởi đối tượng xem mắt đều do Từ Hy sắp xếp nhưng bà cũng vẫn là một ngoại lệ hiếm hoi trong hoàng tộc Mãn Thanh được hưởng đặc quyền chọn chồng này.
Chỉ tiếc rằng, chỉ 5 năm sau khi cử hành hôn lễ, Phò mã của Vinh Thọ yểu mệnh qua đời. Vị công chúa góa chồng năm 17 tuổi ấy bắt đầu cuộc sống thủ tiết kéo dài tới 53 năm của mình.
Bởi phải sống cảnh góa bụa khi tuổi đời còn quá trẻ, dung mạo Vinh Thọ đượm nét già nua từ rất sớm, nhìn giống như một người phụ nữ lớn tuổi.
"Đại công chúa" khiến Từ Hy phải nể: Từng ra mặt cứu mạng Hoàng đế và phi tần
Mặc dù vị công chúa này có phần thua thiệt về dung mạo, nhưng bà nổi tiếng là người cơ trí, chững chạc, lại rất giỏi giao thiệp. Bằng chứng là Vinh Thọ đã từng đưa ra không ít lời đề nghị thiết thực và đúng đắn cho Từ Hy.
Tương truyền rằng, năm xưa vì thấy Tây Thái hậu có lối sống xa xỉ, công chúa từng thẳng thắn phê bình, nói Từ Hy tuổi tác đã cao, không cần phải ăn mặc, trang điểm lộng lẫy.
Điều đáng ngạc nhiên là Từ Hy không những không phật lòng vì lời chỉ trích này mà thậm chí còn có phần nể sợ Vinh Thọ. Kể từ đó, Thái hậu đều chỉ có thể lén sắm sửa y phục, trang sức, còn phải dặn người hầu không được nói với công chúa.
Ảnh: Nguồn Baidu.
Năm xưa, Từ Hy và Cung Thân vương đều bất hòa với Hoàng đế Quang Tự. Thân là người bên cạnh Thái hậu, Vinh Thọ luôn cố gắng điều hòa mâu thuẫn giữa họ.
Bà từng nói với Từ Hy một câu:
"Hoàng đế rất đáng thương, lên 5 tuổi đã vào cung, không được gặp mẹ ruột. Thái hậu nên phụ tá ngài mới đúng".
Khi cuộc chính biến Mậu Tuất thất bại, Từ Hy đã chuẩn bị phế bỏ Quang Tự, thậm chí còn có ý định dùng loạn côn đánh chết.
Biết được tin này, Vinh Thọ đang ở ngoài cung lập tức trở về kinh thành, liều mạng xin Thái hậu bỏ qua cho Hoàng đế. Nhờ có công chúa cầu xin, Quang Tự khi ấy mới thoát được một kiếp.
Vị công chúa này còn nhiều lần ra tay cứu giúp Trân Phi – sủng phi của Hoàng đế Quang Tự.
Khi xưa Trân Phi nổi tiếng là tính tình thẳng thắn, lại nhiều lần đụng tới Lý Liên Anh, nên Từ Hy rất không vừa mắt người con dâu này, nhiều lần bí mật chèn ép.
Những lần ấy, nhờ có Vinh Thọ đều hết lòng ra tay cứu giúp, Trân phi mới toàn mạng mà thoát nạn. Năm liên quân tám nước đánh vào kinh thành, Từ Hy trước khi chạy trốn đã sai người đẩy Trân phi xuống giếng.
Lúc này, Vinh Thọ công chúa sớm đã xuất cung tị nạn. Sau khi trở về và biết được hung tin ấy, vị công chúa này vô cùng đau lòng, thường xuyên khóc mà than rằng: "Ta thật có lỗi với Trân nhi…"
Hoàng đế Quang Tự và Trân phi đều là những nhân vật trong hoàng cung từng nhận được sự giúp đỡ tận tình của Vinh Thọ công chúa. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Vào giai đoạn triều đình Mãn Thanh rớt đài, không ít hoàng tộc thất thế đã tới nhờ cậy Vinh Thọ. Bà vốn là người nhân hậu, hòa ái, từng thu nhận và giúp đỡ vô số người.
Cũng bởi sự lương thiện và tình nghĩa ấy, mà người thời bấy giờ mỗi khi nhắc tới Vinh Thọ đều kính cẩn gọi bà ba tiếng "Đại công chúa".
Sau khi Quang Tự cùng Từ Hy qua đời, triều đình nhà Thanh vô cùng hỗn loạn. Nhờ vào một tay Vinh Thọ công chúa lo liệu, lễ tang của hai nhân vật này mới được tiến hành thuận lợi.
Năm 1924, Vinh Thọ qua đời, hưởng thọ 70 tuổi. Mỗi khi nhắc tới Đại công chúa, hậu thế thường truyền lưu nhiều giai thoại về sự mưu trí và nhân nghĩa của bà.
Từ Hy năm xưa kiêng nể Vinh Thọ, có lẽ phần lớn cũng bắt nguồn từ thái độ làm người đáng nể của vị công chúa cuối cùng ấy.