Chương trình thời sự 19h hàng ngày của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) thu hút hơn 300 triệu lượt người xem mỗi tối, với tiêu điểm luôn là Chủ tịch Tập Cận Bình.
Khi mọi kênh truyền hình trên cả nước tiếp sóng CCTV vào 19h hàng ngày, đây trở thành diễn đàn lý tưởng để các lãnh đạo Trung Quốc công bố Chính sách mới, cập nhật các cuộc gặp với chức sắc nước ngoài hay thông tin về những chuyến thị sát.
Những người Trung Quốc ở đại lục muốn tìm hiểu về chính trị, chính sách cùng động thái của lãnh đạo. Họ xem đây là kênh thông tin hữu dụng nhất.
Không khó hiểu khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần như "độc chiếm" bảng danh sách tin tức hàng ngày. Thậm chí trong những ngày ông không có hoạt động công khai nào, CCTV vẫn sẽ giới thiệu lại các chỉ thị trước đây của ông để dẫn dắt vào một vấn đề mới.
Trên tất cả các cổng thông tin hàng đầu Trung Quốc, từ ứng dụng điện thoại cho đến trang chủ website, tin tức về ông Tập cùng những "lời vàng" của ông luôn được đặt ở tâm điểm.
Wang Xiangwei, cố vấn biên tập tại Bắc Kinh của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, hiện tượng này gợi nhớ về thời kỳ Mao Trạch Đông, khi phát ngôn của lãnh tụ Trung Quốc chiếm lĩnh trang nhất của mọi tờ báo và dẫn dắt hầu hết các bài viết.
Cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của Bắc Kinh không ngừng gia tăng lượng thông tin về Tập Cận Bình, ca ngợi kỹ năng lãnh đạo và tầm nhìn táo bạo của ông, đặc biệt sau khi ông được Ủy ban trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc xác lập là "lãnh đạo hạt nhân" của đảng hồi tháng 10/2016, chính thức có vị thế tương đương Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trong ban lãnh đạo đất nước.
Hội nghị Ủy ban trung ương ĐCSTQ ngày 28/10/2016, ngồi ở hàng ghế lãnh đạo là các Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc. Hội nghị lần đầu tiên thay đổi cách xưng hô, gọi ông Tập Cận Bình là lãnh đạo "hạt nhân" (Ảnh: Pang Xinglei/Xinhua)
Con dao hai lưỡi
Đối với nhiều quan sát viên ở cả Trung Quốc và quốc tế, sự "vinh danh" vội vã dành cho Tập Cận Bình đã gửi những thông điệp trái ngược về quyền lực thực sự của ông và tương lai chính trị của đất nước.
Theo Wang Xiangwei, một mặt sự xác lập vai trò "hạt nhân" của ông Tập là dấu hiệu vị thế lãnh đạo của ông đã không còn bị thách thức, khi chỉ trong 4 năm ông đã thâu tóm quyền lực trong các hệ thống từ đảng, chính phủ cho đến quân đội Trung Quốc.
Mặt khác, giới quan sát cho rằng sau thành công trong kiểm soát quyền lực, thực tế Tập Cận Bình vẫn tiếp tục thúc đẩy để đạt được một vị thế to lớn hơn dường như cũng phản ánh một sự bất ổn không nhỏ.
Thế độc quyền của Chủ tịch Trung Quốc trong các cơ chế ra quyết sách cũng khiến ông trở nên "mong manh" hơn trước các thách thức chính trị, đặc biệt nếu cuối cùng ông bị quy trách nhiệm vì những quyết định làm trì trệ nền kinh tế và gây bất ổn trong xã hội, điều đã được chứng kiến qua ít nhất 2 cuộc biểu tình ngay ở thủ đô Bắc Kinh của các cựu quân nhân không được hưởng đầy đủ phúc lợi.
Từ năm 2016, nhà chức trách nước này đã siết chặt quản lý nội dung trên mạng Internet và các kênh thông tin truyền thống. Theo Wang, sự kiểm soát này cũng là "con dao hai lưỡi" bởi có thể khiến dư luận suy diễn rằng các hành động như thế sẽ không xuất hiện ở một nhà lãnh đạo tự tin.
Dù chỉ là phỏng đoán mơ hồ, điều đó vẫn làm dấy lên quan ngại từ giới phân tích cùng doanh nhân nước ngoài, những người góp phần tác động lên quá trình hoạch định chính sách ở quốc gia mình, dẫn đến rủi ro "đánh giá nhầm hoặc thiếu sót thông tin" khi họ xây dựng chiến lược với Bắc Kinh cả về chính trị lẫn thương mại.
Nhiều người tin rằng ông Tập hướng đến nỗ lực thúc đẩy hệ thống toàn cầu mới nhằm thay thế trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt, điển hình bằng cách thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và khởi động sáng kiến "Vành đai và Con đường".
Bức màn bí mật bao phủ cơ chế ra quyết sách của Trung Quốc từ xưa đến nay, thậm chí nghiêm ngặt hơn khi ông Tập nắm quyền, làm gia tăng thêm nghi ngại. Wang Xiangwei cho rằng, sự bí mật đã trở nên quá quen thuộc, khiến giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy không cần thiết, hoặc không biết cách nào, để giải thích cho thế giới phương Tây.
Bên cạnh đó, nhiều nỗ lực khiến phương Tây hiểu về Trung Quốc đã thất bại. Kết quả là Bắc Kinh dựng lên thêm những "hàng rào" tuyên truyền trong nước, trong khi bộ phận dư luận hoài nghi gia tăng ở nước ngoài.
Một tấm bảng có hình ông Đặng Tiểu Bình ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Giá trị của "lãnh đạo hạt nhân"
Theo SCMP, tầm quan trọng và ý nghĩa của "lãnh đạo hạt nhân" chưa được đánh giá đúng mức. Đây vẫn là một khái niệm tương đối mới mẻ, ban đầu được Đặng Tiểu Bình sử dụng với Giang Trạch Dân nhằm giúp ông Giang củng cố quyền lực và được thừa nhận vai trò lãnh đạo.
Đặng Tiểu Bình gọi Mao Trạch Đông là "hạt nhân" của thế hệ lãnh đạo đầu tiên, còn bản thân ông Đặng là "hạt nhân" thế hệ thứ hai ở Trung Quốc.
Trong khi đó, khác với ông Giang, ông Tập Cận Bình đạt được tư cách này sau khi giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người cùng thế hệ và các lãnh đạo nghỉ hưu, thông qua chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt khiến hàng trăm quan chức cấp cao "ngã ngựa", cùng nỗ lực vực dậy tinh thần yếu kém của quân đội sau hơn 1 thập kỷ.
Bất chấp nhiều thông tin nói rằng cuộc "đả hổ đập ruồi" của ông Tập nhằm vào các đồng minh của Giang Trạch Dân, SCMP dẫn "các báo cáo đáng tin cậy" nói rằng khi Tập Cận Bình cùng 6 thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc thăm, mừng sinh nhật 90 tuổi của ông Giang ở Bắc Đới Hà vào tháng 8/2016, cựu lãnh đạo Trung Quốc đã đánh giá tích cực về các thành tích của ông Tập trong chống tham nhũng.
Ông Giang Trạch Dân được cho là đã gửi lời chúc tốt đẹp đến Hội nghị toàn thể trung ương 6 của Ủy ban trung ương ĐCSTQ khóa XVIII diễn ra vào tháng 10 cùng năm, và chính thức ủng hộ Tập Cận Bình với vai trò "hạt nhân".
ĐCSTQ đưa ông Tập làm "hạt nhân" với niềm tin rằng khi đối mặt với khó khăn kinh tế, căng thẳng xã hội gia tăng trong nước cùng môi trường quốc tế nhiều thách thức, Bắc Kinh cần một lãnh đạo cứng rắn, thậm chí có xu hướng độc đoán.
Trước khi ông Tập lên nắm quyền năm 2012, nhiều đảng viên được cho là đã thất vọng về tình trạng tham nhũng và ban lãnh đạo giai đoạn 2002-2012 không đủ sức mạnh.
Đến nay, nhiều người dự đoán "lãnh đạo hạt nhân" Tập Cận Bình sẽ giúp bảo đảm nền chính trị Trung Quốc ổn định trong ít nhất 20 năm tiếp theo.
Các đại biểu vỗ tay khi ông Tập Cận Bình cùng ban lãnh đạo Trung Quốc tiến vào Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, dự lễ bế mạc Đại hội toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc khóa XII, ngày 13/3/2017 (Ảnh: Xinhua)
Chờ đợi cuộc chuyển giao
Do đặc thù của chính trường Trung Quốc, lo ngại về quyền lực lớn của ông Tập trong cơ chế lãnh đạo tập thể là có thể lý giải, nhưng quyền lực được kiểm soát trong tay ông cũng mang lại 2 lợi ích lớn cho Trung Quốc: Duy trì xã hội pháp trị và tiếp tục cải cách mở cửa.
Hai mục tiêu này là các thành tố trong học thuyết chính trị của ông Tập Cận Bình.
Chỉ còn vài tháng nữa là Đại hội khóa XIX của ĐCSTQ sẽ diễn ra. Địa vị "hạt nhân" là điều kiện thuận lợi để ông Tập xây dựng bộ máy lãnh đạo mới, chia sẻ tầm nhìn và tham vọng của ông.
Chỉ có nhìn vào hành động của ban lãnh đạo mới sau đại hội, những nỗ lực gìn giữ luật pháp, cải cách sâu rộng và mở cửa... khi đó dư luận mới có được cái nhìn rõ ràng hơn về ý đồ đằng sau nền tảng mà ông Tập thiết lập trong nhiệm kỳ đầu tiên này.