Hiện chính phủ Indonesia đang vấp phải sự chỉ trích lớn từ phía dư luận về việc rút lại cảnh báo sóng thần quá lớn khiến người dân chủ quan, dẫn đến thảm kịch 2.000 người thiệt mạng sau thảm họa kép động đất và sóng thần hôm 28/9.
Hãng tin CNN cho biết trận động đất mạnh 7,5 độ richter ở đảo Sulawesi vào hôm 28/9 đã kéo theo một cơn sóng thần cao đến hơn 3m quét qua khu vực bờ biển phía tây Indonesia.
Thời điểm cơn sóng thần chuẩn bị áp sát vào bờ, có rất đông người dân Indonesia vẫn thản nhiên vui chơi mà không hề biết.
Theo dự báo của hãng thông tấn AP, số người thiệt mạng sau thảm họa kép ở Indonesia có thể lên đến hơn 2.000 người.
Nhiều người cho rằng việc rút cảnh báo quá sớm là một trong những lý do khiến hơn 2000 người Indonesia thiệt mạng trong thảm họa kép sóng thần và động đất hôm 28/9. Ảnh: AFP |
Giới chuyên gia khẳng định rất khó để có thể dự đoán trước được mức độ nguy hiểm của sóng thần cũng như truyền đi thông điệp cảnh báo đến hơn 17.000 hòn đảo của Indonesia với số dân là 261 triệu người.
Song không ít người chỉ trích rằng, việc chính phủ Indonesia thiếu công tác điều phối và giải ngân mới là nguyên nhân dẫn tới những thảm kịch khủng khiếp.
Những ngày vừa qua, dân mạng Indonesia liên tiếp đăng tải những bình luận chỉ trích Cơ quan Khí tượng và Địa vật lý Indonesia (BMKG) vì hành động rút lại cảnh báo sóng thần quá sớm sau trận động đất vào ngày 28/9.
Theo đó, cảnh báo sóng thần được BMKG đưa ra vào lúc 18h ngày 28/9 về khả năng xảy ra một cơn sóng thần cao tới 3 m tấn công khu vực bờ biển Indonesia. Tuy nhiên, cảnh báo sóng thần lại được gỡ bỏ vào lúc 18h36 cùng ngày. Về phần mình, BMKG khẳng định, cảnh báo sóng thần chỉ được gỡ bỏ sau khi cơn sóng thần đã ập tới khu vực bờ biển thành phố Palu.
Trong một tuyên bố mới đây, người đứng đầu BMKG là ông Dwikorita Karnawati cũng nhấn mạnh những lời cáo buộc "là không đúng".
“Công việc của chúng tôi dựa theo tính toán của hệ thống máy tính/trí tuệ nhân tạo. Lời cảnh báo được gỡ bỏ khi có sự đồng thuận của 28 quốc gia khác nằm dọc Ấn Độ Dương”, ông Karnawati chia sẻ.
Trong khi đó, tờ Telegraph cho rằng do chậm trễ trong việc huy động ngân sách trị giá 69.000 USD để hoàn thành dự án nâng cấp hệ thống cảnh báo, Indonesia vẫn chỉ dậm chân tại chỗ ngoài mô hình nguyên mẫu 3 triệu USD do Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ đầu tư.
Sau thảm họa sóng thần năm 2004 khiến gần 250.000 người thiệt mạng trong đó có hơn một nửa nạn nhân là người tỉnh Aceh của Indonesia, cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực lớn để nâng cấp hệ thống cảnh báo đặc biệt là ở Ấn Độ Dương và Indonesia. Một phần của dự án do Đức và một số quốc gia khác tài trợ bao gồm việc triển khai mạng lưới 22 phao kết nối với bộ cảm biến dưới đáy biển để truyền dữ liệu.
Mặc dù vậy, thành phần chính của hệ thống cảnh báo sóng thần Indonesia hiện nay là một mạng lưới gồm 134 đồng hồ đo thủy triều kết hợp với còi báo động ở khoảng 55 địa điểm và một hệ thống truyền tin cho người dân bằng tin nhắn văn bản.
"Từ thông tin của giới truyền thông, hệ thống còi báo động đã không hề hoạt động do mạng lưới điện bị ngắt sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7,5 độ richter. Nếu đây là sự thật, cần xem xét lại hoạt động của mạng lưới cảnh báo sóng thần tại Indonesia”, Giáo sư Phil Cummins tại Đại học Quốc gia Australia chia sẻ với CNN.
Trong khi đó, Giáo sư Costas Synolakis, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo sóng thần tại Đại học Nam California nhận định, "134 đồng hồ đo thủy triều là còn quá ít đối với một quốc gia có nhiều đảo nhất trên thế giới như Indonesia. Để tăng hiệu quả hoạt động, Indonesia cần trang bị đồng hồ đo thủy triều gần các khu vực bờ biển”.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại chính là khả năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên của chính phủ Indonesia ngày càng gia tăng sau khi phát ngôn viên Cơ quan Giảm thiểu thiên tai Indonesia (BNPB), ông Sutopo Purwo Nugroho thừa nhận không một chiếc phao nào trong số 22 chiếc kết nối với các cảm biến nằm dưới đáy biển nhằm giám sát nguy cơ xảy ra sóng thần ở ngoài khơi Indonesia, hoạt động trong vòng 6 năm qua.
“Qũy ứng phó với thiên tai mỗi năm lại càng giảm. Trong khi mối đe dọa từ thảm họa thiên nhiên không ngừng gia tăng cùng với số người chết tăng mạnh, ngân sách chi cho BNPB lại giảm xuống”, CNN dẫn lời ông Nugroho.
Minh Di (tổng hợp)