Bệnh zona thần kinh (dân gian gọi là bệnh giời leo) là loại bệnh lý gặp phải ở không ít người. Bệnh không gây chết người nhưng nếu điều trị sai cách có thể khiến bệnh nặng và lâu khỏi hơn.
Triệu chứng đầu tiên là cảm giác đau, ngứa, căng, bỏng, nhức ở một phía của cơ thể. Thông thường, sau khi cơn đau xuất hiện 1-3 ngày các dải ban sẽ nổi, tấy đỏ, phồng lên ở ngay vị trí đau. Sau đó nó sẽ tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày, 2-3 tuần sau, ban sẽ biến mất, vảy rơi ra, có thể để lại sẹo.
Trước khi thấy những mẩn đỏ, bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác đau rát và nhạy cảm vùng da trước đó vài ngày đến một tuần. Bệnh zona khởi đầu là những mụn rộp (mụn nước) trên nền da màu đỏ, và tiếp tục hình thành mới từ 3-5 ngày. Mụn nước thường đi theo đường dây thần kinh của tuỷ sống. Cuối cùng, các mụn vỡ ra và bắt đầu chảy nước, sau đó bề mặt khô đi và hoá sẹo. Quá trình này có thể kéo dài 3-4 tuần từ khi bắt đầu bị bệnh đến lúc khỏi, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn đau dù không nhìn thấy mụn nước.
Chữa bệnh giời leo không đúng cách có thể khiến bệnh lâu khỏi và để lại sẹo (ảnh minh hoạ)
Bệnh Zona diễn biến kéo dài khoảng 2-3 tuần tùy theo sức đề kháng của người bệnh. Nếu càng trẻ diễn biến bệnh càng nhanh, nhẹ và tự khỏi. Nếu càng nhiều tuổi bệnh càng kéo dài và đau nhức nhiều.
Đa số người bệnh cao tuổi (từ 45-50 tuổi trở lên), sau khi các triệu chứng của Zona chấm dứt, thường cảm thấy đau nhức rất nhiều ở các sẹo của bệnh, hình thành chứng “đau sau Zona”, thường rất khó can thiệp bằng thuốc giảm đau thông thường. Trong những trường hợp này phải áp dụng điều trị hoặc phong bế bằng thuốc tê quanh các sẹo hoặc dùng thuốc tê xoa tại chỗ để làm dịu cơn đau.
Thông thường, bệnh Zona không tái phát, chỉ bị một lần duy nhất. Theo nghiên cứu y học, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ xảy ra ung thư nội tạng ở những người cao tuổi bị Zona. Do đó, trong những trường hợp này, bệnh nhân nên có từng đợt khám tổng quát để phát hiện những bất thường nếu có.
Nhiều người cho rằng chữa bệnh giời leo bằng cách đăp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam lên tổn thương da hoặc một số nơi còn tìm đến thầy cúng để để cúng bái vẽ bùa phép bằng mực Tàu vòng xung quanh chặn không cho lan ra xung quanh. Tuy nhiên làm như vậy không chữa được bệnh mà đôi khi còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây loét, kích ứng da...
Thật ra trong tuần lễ đầu, bệnh đang phát triển, nếu có nhai gạo nếp đỗ xanh hay một cái gì đi nữa thì bệnh không những không giảm mà thậm chí chỗ tổn thương có thể bị bội nhiễm từ nước bọt của người nhai. Sau 7-10 ngày, bệnh không điều trị cũng tự lui, lúc đó nhân dân sẽ ngộ nhận cho rằng do tài phép của ông thầy cúng.
Trên trang web chính thức của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, khi bị zona thần kinh, cách tốt nhất là bạn nên đi đến bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Đặc biệt, trong trường hợp zona xuất hiện ở gần mắt thì nguy cơ ăn vào giác mạc là rất lớn và gây nguy hiểm đến mắt.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần có những biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà bằng những cách như: Dùng băng ép ngâm nước lạnh băng vào sang thương rỉ mủ trong khoảng 20 phút khoảng 7, 8 lần/ngày để làm dịu bớt cơn đau và làm khô sang thương. Nó còn giúp lấy bớt vảy ra ngoài và giảm khả năng bị nhiễm trùng. Ngưng sử dụng băng ép khi sang thương đã khô giúp cho những vùng da xung quanh không trở nên khô và ngứa. Giữ cho khu vực sang thương được sạch sẽ bằng xà bông nhẹ và nước. Mặc quần áo rộng để tránh bị thương thêm khi quần áo tiếp xúc với sang thương. Tránh những tiếp xúc da-chạm-da với những người chưa từng bị bệnh.
Thuốc kháng virus, như acyclovir (Zovirax), valacyclovir (Valtrex) và famciclovir (Famvir), có thể là giảm thời gian phát ban và đau, bao gồm cả PHN. Cần phải bắt đầu sử dụng những loại thuốc này trong giai đoạn sớm của bệnh mới có hiệu quả. Bác sĩ sẽ quyết định bạn cần sử dụng loại thuốc nào. Đôi khi, corticoid cục bộ có thể được dùng để giảm viêm. Những thuốc cục bộ có thể được sử dụng để làm giảm đau và ngừa nhiễm trùng.
Thoa Nguyễn (tổng hợp)