Liên hợp quốc ngày 9/2 cảnh báo hàng trăm nghìn thường dân có thể bị cắt nguồn cung lương thực nếu quân đội chính phủ Syria bao vây các khu vực do phiến quân nắm giữ ở Aleppo và đưa ra lời cảnh báo về một làn sóng tị nạn mới.
Đường phố bị cày xới vì không kích tại thị trấn Aleppo. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, quân đội chính phủ Syria - dưới sự hậu thuẫn không kích của Nga và các chiến binh Iran, Lebanon - đã phát động một cuộc tấn công lớn ở khu vực nông thôn quanh Aleppo. Đây là khu vực phân chia giữa quân chính phủ và phiến quân trong nhiều năm nay.
Cuộc bao vây Aleppo - từng là thành phố lớn nhất Syria với 2 triệu dân - tạo sự thay đổi quan trọng cho cuộc nội chiến kéo dài 5 năm, giết chết 250.000 người và khiến 11 triệu người phải dời bỏ quê hương.
LHQ đang quan ngại rằng những gì chính phủ Syria làm có thể cắt đứt liên kết cuối cùng giữa dân thường tại khu vực do phiến quân kiểm soát ở Aleppo với đường biên chính đi sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến đường này từ lâu đã là huyết mạch cho lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát.
"Có tới 300.000 người vẫn đang sống trong thành phố đã bị cắt đứt với viện trợ nhân đạo, trừ khi đường truy cập có thể được đàm phán", Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ cho biết trong một bản tin khẩn.
Nếu việc vây hãm thành phố của chính phủ còn tiếp tục thì "hội đồng địa phương trong thành phố ước tính có khoảng 100.000-150.000 dân thường có thể chạy trốn".
Thổ Nhĩ Kỳ - điểm đến của 2,5 triệu người Syria, số lượng dân tị nạn lớn nhất thế giới - cho đến nay vẫn đóng cửa biên giới để ngăn làn sóng tị nạn mới nhất. Vì thế, hàng tị nạn càng khó đến được với người dân Syria. Ngày 9/2, LHQ cũng đã kêu gọi Ankara mở cửa biên giới và kêu gọi các nước khác hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết có khoảng 70.000 người tị nạn Syria có thể tới biên giới nước này nếu như chiến dịch quân sự còn tiếp tục không suy giảm và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đóng cửa với họ.
Bảo Linh (tổng hợp)