Theo đó, Phó chủ tịch Uỷ ban Olymic Thái Lan Kong Ek Chaiphak Siriwat cho biết SEAGF đã thông qua điều lệ mới cho SEA Games, bao gồm phân loại các môn và nội dung thi đấu, được áp dụng từ SEA Games 33.
"Đây được coi là bước ngoặt quan trọng", ông Siriwat nói. "Khi các bên cùng phối hợp thì điều lệ mới sẽ tháo gỡ điểm yếu và giúp SEA Games tiến lên".
Mục đích của việc sửa đổi này là giúp SEA Games hướng đến tiêu chuẩn ASIAD và Olympic. Bắt buộc các đội chủ nhà phải đưa các môn thuộc ASIAD và Olympic vào danh sách thi đấu, đồng thời hạn chế các môn địa phương có lợi cho đội chủ nhà. Điều này được thảo luận trước đây nhưng không được thống nhất và SEA Games 33 ở Thái Lan được xem là mở đầu cho sự thay đổi.
Cụ thể, các môn ở SEA Games vẫn giữ nguyên 3 nhóm, nhóm 1 là điền kinh và bơi (bắt buộc). Nhóm 2 gồm ít nhất 15 môn thuộc Olympic, ASIAD hoặc đại hội thể thao trong nhà châu Á như: bóng đá, bóng chuyền, bắn súng, bắn cung...Cuối cùng, nhóm 3 là các môn mang nặng tính địa phương nhưng chủ nhà chỉ được chọn tối đa 2 trong 8 nội dung thi đấu.
Các môn và phân môn tại nhóm 3 gồm: arnis, các môn cờ, thể hình, lặn, kempo, netball, muay, bowling trên cỏ, khiêu vũ thể thao, pencak silat, bi sắt, đua thuyền truyền thống, đá cầu, vovinam và trượt nước.
Ở SEA Games 32, chủ nhà Campuchia tiếp tục cắt giảm các nội dung thuộc Olympic vào chương trình thi đấu của đại hội. Tiêu biểu có thể kể đến như các môn Canoeing và Rowing, thay vào đó là Jet Ski và Đua thuyền buồm truyền thống. Cờ vua cũng được thay thế bởi cờ ốc. Ngoài ra còn các môn như kurash, bắn súng, thể hình, muay, bóng ném...
Đặc biệt, ở các môn võ đối kháng, nước chủ nhà quy định chỉ được đăng ký tối đa 70% nội dung. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cơ hội giành huy chương của các nước trong khu vực.
Vì thế quyết định của SEAGF mới đây được xem là bước đột phá bởi điều này đúng với tôn chỉ của SEA Games đề ra ngay từ đầu là giúp các nước trong Đông Nam Á từng bước phát triển, vươn tầm châu lục, Olympic thay vì cứ quanh quẩn trong "ao làng" như hiện tại.