Lửng mật có rất nhiều đặc điểm để trở thành kẻ đáng gờm trên hành tinh này. Chúng sở hữu lớp da cực dày, hơn nửa cm, dai như cao su, cứng đến mức tên, giáo truyền thống không thể xuyên thủng. Hơn nữa, da lửng mật có thể chịu đòn từ dao rựa sắc bén và không xi nhê gì trước hàm răng của những kẻ săn mồi.
Không chỉ dai và dày, da lửng mật còn chùng nhão, cho phép con vật thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù dễ dàng. Nó có thể quằn quại với bộ da đặc biệt này, dùng móng vuốt để tấn công ngược đối phương. Vì vậy, những con thú săn mồi gần như vô vọng khi muốn tiêu diệt lửng mật, trừ khi giết được nó ngay lập tức (điều này gần như không thể).
Có người cho rằng muốn bắt được lửng mật thì hãy túm gáy con vật, nhấc bổng lên nhưng trong thực tế thì chưa tình nguyện viên nào làm thử điều này.
Cùng với hàm răng sắc nhọn, lửng mật còn có bộ hàm vô cùng lợi hại. Điều này rất hữu ích bởi nó sẽ giúp lửng mật ăn được mọi bộ phận của con mồi, kể cả xương. Hàm lửng mật mạnh tới mức ăn được cả mai rùa.
Đã mạnh như vậy, lửng mật còn được trời phú cho khả năng miễn nhiễm với nhiều vết đốt và nọc độc. Thậm chí, khi bị rắn hổ mang chúa và rắn Puff Adder cắn nhiều lần, lửng mật vẫn "bất tử". Dù người ta không biết cơ thể lửng mật chống lại tác động của những loại nọc độc này như thế nào nhưng nếu liều lượng đủ lớn thì cuối cùng con vật cũng bị hạ gục. Điều không may cho những con rắn là nếu giao tranh với lửng mật, chúng lại không thể tồn tại đủ lâu để có thể tiêu diệt đối thủ.
Cùng với sự dẻo dai bẩm sinh, lửng mật còn là loài vô cùng thông minh. Người ta đã quan sát được cách mà con vật sử dụng dụng cụ để bắt con mồi. Chúng còn biết theo dõi những con chim Honeyguide để tìm tổ ong rồi lấy ấu trùng và mật.
Điều thú vị là lửng mật có một túi hậu môn có thể xoay từ trong ra ngoài, mùi cực kỳ nồng nặc và ngột ngạt. Lửng mật sử dụng mùi hôi thối này để chống lại những kẻ săn mồi lớn như sư tử.
Sự kết hợp giữa khả năng phòng thủ và tấn công bẩm sinh đáng chú ý này khiến lửng mật gần như bất bại, không biết sợ là gì. Chúng cũng rất hung dữ nên có ít kẻ thù săn mồi. Ngay cả những con thú lớn như sư tử và báo hoa mai cũng phải nể mặt con vật này.
Một số sự thật thú vị về lửng mật:
- Cái tên lửng mật ra đời vì loài vật này thường tìm kiếm và ăn mật ong, ấu trùng ong. Chúng thậm chí còn không gặp vấn đề gì khi tấn công các tổ ong châu Phi (ong sát thủ).
- Honeyguide là loài chim sẽ dẫn lửng mật đến các tổ ong. Sau đó, con chim sẽ đợi lửng mật phá tổ. Sau khi lửng mật rời đi, chim sẽ đến ăn phần ấu trùng và sáp ong còn sót lại.
- Lửng mật có thể đào đất cứng rất nhanh. Trong vài phút nó đã đào được cái hố đủ sâu để ẩn mình.
- Lửng mật còn có tên gọi là khác Ratel, tên khoa học là Mellivora capensis. Chúng sống chủ yếu ở châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ. Dù tên là lửng mật nhưng chúng giống chồn hơn. Trong điều kiện nuôi nhốt, chúng sống được khoảng 24 năm. Không ai biết trong tự nhiên chúng sống được bao lâu.
- Những con lửng mật thường săn mồi và sống đơn độc. Tuy nhiên, vào mùa sinh sản, chúng thường đi săn cùng nhau. Nhà của chúng thường là những cái hố có lối đi dẫn tới khu vực làm tổ.
- Lửng mật ăn nhiều loại thức ăn khác nhau như nhím, cá sấu nhỏ, quả mọng, rễ cây, bọ cạp, rắn, trứng, côn trùng, động vật gặm nhấm, chim, trái cây, ếch, xác người, mật ong, cừu, ngựa...
- Một phương pháp mà lửng mật sử dụng khi tấn công con mồi lớn hơn là cắt vào thịt, đợi con vật chảy máu tới yếu đi rồi tấn công.
(Theo Todayifoundout)
>> Xem thêm: Lửng mật ong xảo quyệt đánh bại cả đàn sư tử