Ngày 26/1, Anh ghi nhận thêm 1.631 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại đây lên 100.162. “Thật khó để tính toán những đau thương chứa đựng trong con số thống kê nghiệt ngã đó”, Thủ tướng Boris Johnson trầm ngâm nói. “Những năm tháng cuộc đời bị mất đi, những cuộc họp mặt gia đình không còn được tham dự, rất nhiều người thâm đã không có cơ hội để nói lời vĩnh biệt”.
Anh là quốc gia thứ 5 trên thế giới ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong liên quan đến Covid-19, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Mexico và cho đến nay là quốc gia nhỏ nhất. Mỹ ghi nhận hơn 400.000 ca tử vong, cao nhất thế giới nhưng dân số của họ là khoảng 300 triệu người, gấp 5 lần so với 67 triệu dân của Anh.
Như các nước khác, con số thực tế có thể còn cao hơn. Các cơ quan thống kê của Anh cho biết số người tử vong do Covid-19 được ghi trên giấy chứng tử là hơn 108.000.
Các chính trị gia đối lập và quan chức y tế công cộng đã cáo buộc chính phủ Bảo thủ của ông Johnson chậm hành động trong suốt thời gian bùng dịch. Một biến thể dễ lây lan được xác định ở đông nam nước Anh vào cuối năm ngoái cũng khiến số lượng ca nhiễm tăng lên và đẩy đất nước vào làn sóng thứ 3.
Trong một cuộc họp báo trên truyền hình, ông Johnson nói ông “nhận hoàn toàn trách nhiệm về mọi việc mà chính phủ đã làm”. “Những gì tôi có thể nói với các bạn là chúng tôi đã làm mọi thứ có thể và đang tiếp tục làm như vậy để giảm thiểu thiệt hại về nhân mạng và những đau khổ trong giai đoạn rất, rất khó khăn của đất nước này”. Các nhà chức trách Anh đang nghiên cứu một chương trình tiêm chủng để ngăn chặn dịch bùng phát và nới lỏng phong tỏa.
Cho đến nay, hơn 6,8 triệu người đã được tiêm liều vắc xin đầu tiên trong 2 liều. Chính phủ đặt mục tiêu 15 triệu người được tiêm phòng, bao gồm tất cả những người trên 70 tuổi tính đến 15/2.
Thủ tướng Johnson hứa sẽ công khai cách xử lý dịch của Anh nhưng phải đến khi cuộc khủng hoảng kết thúc. “Chúng tôi đảm bảo mình đã học được bài học, suy ngẫm và chuẩn bị”, ông nói.
Trong một thông báo ngày hôm qua, Bộ trưởng vắc xin Nadhim Zahawi cho biết sẽ có kế hoạch thắt chặt hơn các biện pháp biên giới. Theo BBC, các công dân và cư dân vương quốc Anh đến từ miền nam châu Phi và Nam Mỹ, Bồ Đào Nha sẽ phải tự cách ly trong khách sạn 10 ngày với chi phí tự túc. Các khách sạn cách ly kiểm dịch được sử dụng để hạn chế sự lây truyền virus ở các nước như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore nhưng phương pháp này chưa được áp dụng rộng rãi ở châu Âu.
Quy tắc phong tỏa hiện tại cấm người Anh nghỉ lễ ở nước ngoài mặc dù sự đi lại cần thiết vẫn được phép. Những người đến từ nước ngoài được yêu cầu tự cách ly tại Anh, nhưng việc thực thi còn chắp vá. Ông Nick Thomas-Symonds, phát ngôn viên về luật và trật tự của Đảng Lao động đối lập Anh cho biết chỉ có một “hệ thống kiểm dịch khách sạn toàn diện” mới đủ mạnh để ngăn các chủng virus mới lây lan tại Anh. “Không thể chỉ hạn chế đối với một vài nước, để lại lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của chúng ta chống lại các chủng virus đang nổi lên trên toàn thế giới”, ông nói.