Trong một cảnh quay của phim Chàng trai năm ấy, Sơn Tùng đã phải khóc liên tục trong vòng 12 giờ đồng hồ cùng bài toán chia nhịp tiết tấu diễn xuất của đạo diễn Quang Huy.
Trong một cảnh quay của phim Chàng trai năm ấy, Sơn Tùng M-TP đã phải khóc liên tục trong vòng 12 giờ đồng hồ cùng bài toán chia nhịp tiết tấu diễn xuất của đạo diễn Quang Huy.
Sớm nổi lên trong làng nhạc Việt, Sơn Tùng M-TP đến với điện ảnh lần đầu khi 20 tuổi chính là cuộc hành trình mới mẻ và hoàn toàn “lột xác”.
Khi hóa thân thành một nhân vật có nghề nghiệp giống hệt mình trong phim Chàng trai năm ấy lại là những trải nghiệm hoàn toàn mới cùng cái gọi là khái niệm về “diễn xuất”. Đình Phong do Sơn Tùng thủ vai là một chàng ca sĩ trẻ sở hữu một cuộc sống đáng mơ ước: sự nghiệp thành công, nhiều fan, gia đình êm ấm và bạn bè ăn ý. Chính cái hoàn hảo này đã tạo cho Phong một sự lạc quan vô tư trước mọi khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cuộc đời yên bình của Phong như bị đảo lộn hoàn toàn khi cậu phát hiện ra mình bị u não và chỉ có thể sống được tối đa là 5 năm. Từ đó, Phong lao vào một cuộc chiến bất tận, giữa căn bệnh xấu tính ngày càng mang nhiều biến chứng và thế giới màu hồng xưa cũ ngày càng trở nên móp méo. Thế nhưng, Phong vẫn chọn cách mỉm cười để đối diện với phần đời ít ỏi còn lại. Và nghị lực mạnh mẽ đó đã tác động lên từng con người đang đi cùng Phong trên chuyến hành trình chứng minh: sống là không chờ chết.
Sơn Tùng trong vai Đình Phong.
Trước khi nhận được vai diễn, Sơn Tùng vẫn chưa bao giờ tự tin về khả năng của mình, cậu chia sẻ: “Lúc nhận lời mời đề nghị casting từ anh Huy, vẫn cảm thấy là không biết có nên làm hay không vì đã có bao giờ Tùng làm đâu, nhưng nhờ động viên của mọi người thì cuối cùng cũng quyết định đến thử sức. Lúc đến, trước khi cast, mặt, mũi, tai đỏ ửng hết cả lên, còn run hơn là đứng trước bao nhiêu khán giả. Kinh khủng cực kì. Cast xong tự nhiên Tùng thấy người thoải mái hẳn. 10 ngày sau nhận được cuộc gọi của Ekip là Tùng đã nhận được vai chính. Mình vẫn không tin là mình đã làm được!!!”.
Để vào vai chàng ca sĩ bạc mệnh, ngoài việc tận dụng khả năng diễn xuất tự nhiên của bản thân, Sơn Tùng còn phải học hỏi rất nhiều ở các đàn anh đàn chị và quan trọng hơn hết là phải hiểu được suy tính của người lãnh đạo Quang Huy. Không nói đâu xa, một trong những cảnh quay khó nhất được đặt cầu Mống, dù chỉ có hai diễn viên nhưng thoại rất dài và diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp. Một bài toán chia nhịp diễn đã được tính toán bài bản và tập trước từ rất nhiều lần, sao cho diễn viên nắm được đoạn nào cần bao nhiêu cảm xúc là đủ, đến đâu thì đẩy hết lên cao trào.
Đối với một diễn viên chuyên nghiệp như Hứa Vĩ Văn đây không phải là một màn quá khó nuốt, còn đối với Sơn Tùng thì việc vừa phải diễn sao cho có hồn vừa phải khóc liên tục không đơn thuần chỉ là diễn xuất nữa mà là làm sao để giải được bài toán không khó nhưng nhiều tâm tư của đạo diễn. Chưa dừng lại ở đó, trải dài đến nhiều bối cảnh khác nhau từ Sài Gòn đến Nha Trang và Singapore, việc “khóc” cũng xảy ra liên tục, rồi cả cái vui; buồn; thất vọng; lạc quan; bi quan; chủ quan; mềm yếu; mạnh mẽ… cũng đồng loạt kéo đến nơi Sơn Tùng qua hình tượng Đình Phong, một điều mà rất ít khi cậu trai phải gặp phải ngoài đời.
Sơn Tùng đã phải khóc liên tục trong vòng 12 giờ đồng hồ.
Trong một cảnh quay, Sơn Tùng đã phải khóc liên tục trong vòng 12 giờ đồng hồ cùng bài toán chia nhịp tiết tấu diễn xuất của đạo diễn Quang Huy.
Cuộc đời của Đình Phong trải qua nhiều gam màu từ màu hồng hạnh phúc cho đến màu đen không may, vì vậy Sơn Tùng không chỉ đóng một vai là một ca sĩ, mà còn phải là một người bạn, một người con, một người yêu, một bệnh nhân, một nạn nhân của truyền thông…
Ngay từ lần đầu tiên chạm ngỏ điện ảnh, ngôi sao trẻ làng nhạc gần như đã trải qua tất cả khía cạnh trong tình cảm của con người. Trong phim hay ngoài đời đều là một ca sĩ, nhưng mỗi khi bắt đầu diễn, cảm giác rằng Đình Phong đã nhập vào Sơn Tùng, một con người hoàn toàn khác hẳn hiện ra đi tìm những kinh nghiệm và định luật mới của cuộc sống.
Thậm chí khi quay trở lại với sinh hoạt hằng ngày, Sơn Tùng vẫn không thể thoát ra khỏi nhân vật Đình Phong khi mà anh vẫn giữ nguyên vẹn tinh thần của chàng ca sĩ bạc mệnh nhưng đầy lạc quan sống. Dù là lần đầu đi đóng phim, phải dùng những thứ khác ngoài giọng hát có để chinh phục khán giả, thì chủ nhân bản hit “Chắc ai đó sẽ về” đã hoàn thành rất chỉn chu và hoàn toàn không hề kém cạnh bất cứ diễn viên lành nghề lâu năm nào từ khả năng cho đến thái độ làm việc.
Ngoài việc chứng kiến cách thể hiện diễn xuất, đạo diễn Quang Huy còn chọn Sơn Tùng vì “linh cảm”: “Linh cảm, thường thường khi mình casting, điều sợ nhất là gặp được những diễn viên mà họ không diễn được, thật ra cái sợ lớn hơn là khi mình gặp nhiều diễn viên mà họ diễn không có gì để chê, nhưng mình vẫn thiếu một linh cảm, và sau khi xem Tùng diễn xong, đây chính là người mà mình đang tìm” .
Theo Hoàng Anh/Người đưa tin