Với GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới, Qatar có đủ tiền để đối phó với hầu như bất cứ hình thức cấm vận nào.
"Thay vì có 5 người giúp việc thì chỉ còn 3"
Đã một tháng trôi qua kể từ khi Ả rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và giao thông với . Tình trạng này đã khiến Qatar gặp những thiệt hại nhất định nhưng còn xa mới rơi vào khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó "liên minh chống Qatar" có vẻ như không còn lựa chọn nào để khiến Doha thêm phần khốn đốn.
Là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), Qatar rất giàu. Với GDP bình quân đầu người ở mức 127.660 USD, mức cao nhất thế giới, Qatar có đủ tiền để đối phó với hầu như bất cứ hình thức cấm vận nào.
Trong suốt 1 tháng qua, Doha đã sắp xếp những tuyến vận tải mới để xử lý tình trạng biên giới với Ả rập Saudi bị đóng cửa, gửi hàng tỉ USD tiền của nhà nước vào ngân hàng địa phương để trợ lực cho hệ thống này, đồng thời thu hút sự quan tâm của các công ty năng lượng lớn nhất phương Tây bằng cách công bố kế hoạch nâng sản lượng LNG thêm 30%.
Qatar đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Ảnh: LNG World News
Theo Reuters, thành công của những kế hoạch này cho thấy Qatar có thể cáng đáng thêm nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm với mức cấm vận hiện tại.
"Miễn bán được hàng thì chúng tôi có thể chịu đựng tình trạng này trong một thời gian rất, rất dài nữa. Động thái duy nhất có thể thật sự gây hại cho chúng tôi là ngăn cản việc xuất khẩu khí đốt, nhưng điều đó sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng", một ông chủ nhà băng của Qatar nhận định.
"Nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhưng không tới mức chúng tôi, người dân Qatar, bị ảnh hưởng", nguồn tin của Reuters cho biết thêm "Thay vì trong nhà có 5 người giúp việc thì chỉ còn 3 thôi".
Qatar đang phải đối mặt với chi phí nhập khẩu cao hơn bởi nước này buộc phải sử dụng những tuyến vận tải không được thuận tiện như trước, thông qua cảng của các nước như Oman, nhưng tình trạng không trầm trọng tới mức họ phải hủy bỏ những dự án kinh tế lớn của nhà nước.
"Kể cả cấm vận có tiếp diễn sang năm tới, ít khả năng suy thoái sẽ xảy ra với chúng tôi", Jason Tuvey, nhà kinh tế học Trung Đông thuộc trung tâm nghiên cứu Capital Economic tại London nhận định.
Các phương án cấm vận mới
Hôm 5/7, những nước cô lập Qatar nói rằng Qatar đã để lỡ hạn chót thực thi 13 đòi hỏi. Ngoại trưởng Ả rập Saudi Adel al-Jubeir tuyên bố, sẽ có những biện pháp khác được đưa ra để xử lý Qatar trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, vào thời điểm thích hợp.
Ngoại trưởng Ả rập Saudi Adel al-Jubeir. Ảnh: Al Arabiya
Truyền thông Ả rập Saudi thì đưa tin rằng những phương án cấm vận mới sẽ bao gồm việc các nước trong "liên minh" rút các khoản vay, thế chấp từ các ngân hàng của Qatar, đồng thời áp dụng biện pháp "tẩy chay cấp hai", theo đó, "liên minh" sẽ không giao dịch với những công ty đang có quan hệ làm ăn cùng Qatar.
Theo đánh giá của các nhà kinh tế nước ngoài cũng như các doanh nhân Qatar, các biện pháp trên sẽ khiến Qatar thiệt hại nặng hơn nhưng không tới mức gây bất ổn cho hệ thống tài chính của Doha hoặc phá vỡ thế ổn định của đồng riyal so với đô la Mỹ.
Trong hai phương án mà truyền thông các nước vùng Vịnh đề cập tới, "tẩy chay cấp hai" có vẻ không hiệu quả bằng phương án rút tiền khỏi các ngân hàng của Doha, bởi các ngân hàng của Qatar phụ thuộc vào nguồn tiền từ nước ngoài và đây là một trong những điểm yếu chí mạng của đất nước vùng Vịnh nhỏ bé này.
Tuy nhiên, thực hiện phương án này không dễ dàng. Nếu tiến hành thì không rõ các nước vùng Vịnh có thể duy trì hình thức này được bao lâu bởi nhiều khả năng điều đó vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ông Tuvey cho rằng việc ngăn cản xuất khẩu LNG có thể sẽ khiến Qatar bị tổn hại nặng nề nhưng lại là phương án khó có thể thực hiện: "Việc đó có thể khiến tất cả các nước xuất khẩu dầu ở vùng Vịnh bị thiệt hại".