Không chỉ tàn bạo, liều lĩnh, nhiều sự thật thú vị có thể thay đổi cách hiểu biết của chúng ta về cướp biển.
Ảnh: BS |
Cướp biển không chỉ nổi tiếng với sự độc ác, tàn bạo, liều lĩnh, mà trên thực tế còn sở hữu nhiều bí mật mà ít người biết.
Dưới đây là những sự thật thú vị về cướp biển, lực lượng gây ám ảnh trên biển:
Không phải vàng, đây mới là chiến lợi phẩm nhiều nhất của cướp biển
Vàng không phải là chiến lợi phẩm nhiều nhất mà cướp biển thu được. Ảnh: Wikipedia
Nếu bạn cho rằng vàng là chiến lợi phẩm mà cướp biển thu được nhiều nhất thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Cướp biển hiếm khi cướp bóc tiền mặt hoặc vàng và cũng ít chôn giấu chúng giống như những bộ phim mà bạn thường xem.
Trên thực tế, rượu và vũ khí mới là hai thứ luôn nằm trong danh sách ưu tiên của cướp biển. Ngoài ra, họ còn thường cướp lấy lương thực và quần áo từ các đoàn tàu trên biển.
Từng có nữ cướp biển, trong đó có người nổi tiếng tàn bạo, khét tiếng bậc nhất trong lịch sử
Không chỉ có nam giới, trong lịch sử từng ghi nhận sự tồn tại của những nữ cướp biển. Họ không những thâm nhập được vào "thế giới ngầm" của các đoàn cướp biển, mà thậm chí có người còn trở thành các nhân vật "cốt cán", thủ lĩnh khét tiếng trong lịch sử như Anne Bonny, Mary Read, Trịnh Nhất Tẩu (nữ cướp biển nổi tiếng tàn bạo và quyền lực dưới thời nhà Thanh).
Trịnh Nhất Tẩu, nữ cướp biển nổi tiếng tàn bạo dưới thời nhà Thanh. Ảnh: Internet
Loại nước uống có tác dụng chữa bệnh của cướp biển
Cướp biển thường uống một loại nước có tác dụng chữa bệnh. Ảnh: Disney
Những người cướp biển thường uống một loại nước được trộn từ hỗn hợp bao gồm rượu rum, nước, đường và nước chanh (cải tiến từ Grog, một loại đồ uống gồm rượu rum và nước, của các thủy thủ nước Anh). Thức uống đặc biệt này ngoài việc giúp họ tránh ám ảnh bởi việc tiêu thụ nước muối, còn là cách để ngăn ngừa Scorbut (căn bệnh do thiếu vitamin C gây ra).
Cướp biển đeo miếng bịt mắt: Không phải chỉ vì bị chột
Sự thật về việc cướp biển thường đeo miếng bịt mắt. Ảnh: Shutterstock
Nhiều người trong chúng ta đều nghĩ rằng những tên cướp biển đeo miếng bịt mắt là do bị chột. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thật là mục đích của miếng băng bịt mắt này không chỉ đơn thuần dùng để che đi phần mắt bị hỏng mà còn dùng để gia tăng và cải thiện thị lực vào ban đêm. Điều này rất cần thiết cho công việc nhiều nguy hiểm của cướp biển.
Theo đó, trong một cuộc bố ráp hay vây bắt bất ngờ, nếu nhìn bằng một mắt sẽ giúp họ có thể trông thấy và dễ dàng thích nghi với những nơi có ít ánh sáng như boong tàu hay nơi có nhiều ánh sáng như sàn tàu, khi phải thay đổi và di chuyển liên tục với nhiều vị trí.
Danh tướng vĩ đại Julius Caesar của La Mã từng bị cướp biển bắt giữ
Danh tướng Julius Caesar từng bị cướp biển bắt giữ làm con tin và đòi tiền chuộc. Ảnh: Wikipedia Commons
Ít người biết rằng Julius Caesar, danh tướng nổi tiếng với nhiều chiến công vĩ đại của La Mã, đã từng có lần bị cướp biển bắt giữ vào năm 75 TCN (khi đó ông khoảng 25 tuổi). Đáng chú ý là do không biết về thân thế của Julius Caesar nên những người cướp biển này chỉ đưa ra mức tiền chuộc khá thấp để đổi lấy tự do cho ông, đó là 20 talents (khoảng 600.000 USD ngày nay).
Tuy nhiên, sau khi nghe mức giá này, danh tướng tài ba này còn cười nhạo và nói rằng ông đáng giá hơn với ít nhất 50 talents. Trong thời gian bị bắt làm tù binh, Julius Caesar thậm chí còn thường đọc thơ cho những tên cướp biển nghe.
Sau khi được giải cứu, Julius Caesar đã cho lũ cướp biển này phải trả giá đắt, khi quyết định tập hợp hạm đội để truy lùng. Kết cục là những thành viên trong băng cướp này đều bị bắt và bị xử tử bằng cách đóng đinh.
Cướp biển có tính kỷ luật rất cao
Cướp biển có tính kỷ luật cao, thưởng phạt rõ ràng. Ảnh: Wikipedia
Nếu cho rằng cướp biển là những người không có tính kỷ luật thì bạn đã sai. Trên thực tế, họ có tính kỷ luật rất cao, thậm chí là có hẳn một bộ luật để quy định về các việc như đưa ra phán quyết, phân phối công việc, hay chia chác của cải cướp được ra sao,... Đặc biệt, cướp biển còn có những quy định rất tình người dành cho những cộng sự bị thương tật.
Chẳng hạn, nếu một cướp biển nếu bị thương trong quá trình giao chiến, các cuộc đột kích, thì sẽ được chia nhiều chiến lợi phẩm hơn, và điều này còn tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của thương tích. Bên cạnh đó, những cướp biển bị tàn tật sẽ vẫn được giữ ở lại trên tàu thuyền mà không bị vứt bỏ, vì họ được xem là những thành viên dũng cảm và giàu kinh nghiệm.
Cướp biển cũng có "bảo hiểm y tế"
Cướp biến rất chú trọng tới vấn đề sức khỏe vì họ thường xuyên phải giao chiến. Ảnh: Zstatue
Một điều khá thú vị và nghe chừng hơi khó tin đó là cách đây hàng trăm năm (khi không có nhiều tiến bộ trong y học), cướp biển từng có "bảo hiểm y tế". Mục đích của loại bảo hiểm này nhằm đảm bảo cho mỗi thành viên trong hạm đội sẽ nhận được lợi ích khi chẳng may bị thương sau khi giao chiến.
Cụ thể, đối với những cướp biển bị mất một tay hoặc chân thì họ sẽ được đền bù tương đương một số tiền là khoảng 45.900 USD, mất một mắt là 15.300 USD, và nếu bị mù hoàn toàn thì sẽ nhận được bồi thường tiền tương đương với khoảng 153.000 USD ngày nay. Ngoài ra, các thành viên trong hạm đội cướp biển còn được lựa chọn bồi thường bằng tiền bạc hoặc nô lệ.
Tham khảo nguồn: BS, Britannica