Nếu bạn đã xem phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên", rất có thể bạn sẽ nhớ câu chuyện của Mary Ingalls. Nhân vật này bị mù không phải vì bệnh ban đỏ như trong phim và truyện.
Sau hơn 40 năm được công chiếu trên đài NBC, "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" vẫn luôn được các khán giả yêu thích. Ảnh: CNN |
Bộ phim truyền hình và loạt sách nổi tiếng - có thể sẽ chuyển thể thành phim điện ảnh "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" trong tương lai gần - vẽ lên bức tranh chân thực về cuộc sống của Laura Ingalls Wilder. Theo như trong truyện, Mary, chị gái Laura bị mù khi còn niên thiếu sau khi bị sốt ban đỏ. Nhưng gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu y học đã đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là sự thật.
Tiến sĩ Beth Tarini, một trong những tác giả của bài báo đã bị hấp dẫn bởi câu hỏi này khi còn là một sinh viên y khoa.
"Tôi đã liên tục tới lui khoa nhi. Chúng tôi đã nói về bệnh ban đỏ và tôi nói rằng "Ồ, bệnh ban đỏ khiến bạn bị mù. Mary Ingalls bị mù vì nó", Tarini nhớ lại. Nhưng người giám sát của Tarini nói: "Tôi không nghĩ thế".
Và thế là Tarini bắt đầu nghiên cứu. Sau 10 năm, cô và các cộng sự của mình đã mải mê nghiên cứu những bài báo, bức thư cũ mà Laura Ingalls Wilder viết, những bài đăng trên tờ báo địa phương nói về bệnh tật của Mary và dữ liệu dịch tễ về bệnh mù lòa, truyền nhiễm vào cuối thế kỷ 19. Những gì họ tìm thấy thật hấp dẫn.
Trong cuốn hồi ký chưa xuất bản của Wilder - Pioneer Girl - không hề nhắc tới việc Mary mắc bệnh ban đỏ vào năm cô bị mù (Cô ấy mắc bệnh khi còn nhỏ hơn). "Cô ấy không bao giờ nói về bệnh ban đỏ. Cô ấy không bao giờ nói về những nốt nổi mẩn", Tarini nói và chỉ ra những nốt nổi mẩn là dấu hiệu của bệnh ban đỏ.
Trong phim và truyện, nhân vật Mary Ingalls (ngoài cùng bên phải) bị mù do ban đỏ. Ảnh: CNN |
Tìm tòi sâu hơn, khi các nhà nghiên cứu xem xét dữ liệu dịch tễ học ở thời điểm đó, họ thấy hầu hết các trường hợp bị mù do bệnh ban đỏ là tạm thời. Ngoài ra, các bài báo viết về tình trạng bệnh tật của Mary đã nói cô bị "đau đầu nghiêm trọng" và một bên mặt của cô bị tê liệt một phần.
Cuối cùng, có lẽ là phần quan trọng nhất của các bằng chứng: Trong một lá thư mà bà Wilder viết cho con gái - Rose - ngay trước khi cuốn sách "By the Shores of Silver Lake" của mình được xuất bản, bà đã đề cập tới "một loại bệnh cột sống". Lá thư cũng nói tới việc Mary đã tới gặp một chuyên gia tại Chicago và người này nói rằng "các dây thần kinh ở mắt cô đã bị tê liệt và không có hy vọng".
Chẩn đoán của các bác sĩ là: virus viêm màng não gây ra viêm não và màng não, màng bao phủ não. Trong trường hợp bị nặng, nó có thể gây viêm thần kinh thị giác, làm giảm và hạn chế tầm nhìn.
Đây không phải tin chấn động gì cho giới y học nhưng với các fan của "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên", câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Wilder lại thay đổi căn bệnh của chị gái mình thành ban đỏ? Các tác giả của nghiên cứu tin rằng có thể là do bà Wilder và các biên tập viên của bà nghĩ rằng ban đỏ có thể hợp lý hơn đối với độc giả của mình. Ban đỏ được đề cập tới các cuốn sách khác ở giai đoạn đó, trong đó có cuốn "Little Women" (Những phụ nữ nhỏ bé) và "Frankenstein".
Bảo Linh (theo CNN)