Mặc dù có giá trị bằng cả gia tài, nhưng cổ vật này lại nằm trong danh sách kiêng kỵ của mộ tặc vì hai nguyên nhân...
Người Trung Hoa xưa đặc biệt coi trọng việc an táng, chôn cất. Điều này xuất phát từ sự tin tưởng của họ với luân hồi.
Cổ nhân tin rằng, con người ta sau khi chết sẽ tiếp tục cuộc sống ở thế giới bên kia, mà sau đó còn có thể đầu thai lần nữa để trở lại dương gian.
Vì thế, hoàng tộc, quý tộc và những người giàu có trong xã hội phong kiến đều tốn nhiều công sức, tiền của để xây dựng của mình. Thậm chí, họ còn rất cẩn trọng trong việc lựa chọn đồ tùy táng để chôn theo với mong muốn vĩnh viễn hưởng thụ vinh hoa phú quý ngay cả khi đã xuống hoàng tuyền.
Tiêu biểu là Từ Hy Thái hậu sau khi qua đời đã được hạ táng cùng số trân bảo có giá trị tính bằng hàng triệu lượng bạc, bằng nhiều năm quốc khố của vương triều. Số lượng trân trâu, mã não, vàng ngọc trong lăng mộ của bà nhiều không đếm xuể.
Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là những vật tùy táng quý giá nhất. Thứ giá trị nhất trong các lăng mộ người xưa từng được giới khảo cổ phát hiện chính là bảo vật mang tên "Kim Lũ Ngọc Y".
Hình dáng của một bộ Kim Lũ Ngọc Y. (Ảnh: Nguồn Internet).
Cổ vật đắt giá nhất hóa ra lại là... trang phục của người đã khuất!
Kim Lũ Ngọc Y còn được biết tới với tên gọi khác là "Ngọc Hạp". Đây là một vật tùy táng được xếp vàng hàng giá trị nhất trong số các cổ vật Trung Hoa.
Cổ vật này là bộ trang phục cao cấp mà chỉ có hoàng tộc và quý tộc mới có tư cách mặc sau khi chết để chôn cất. Chúng từng được coi là biểu tượng của quyền lực và sự giàu có.
Tương truyền rằng, Kim Lũ Ngọc Y được làm từ ngọc và tơ vàng, thiết kết theo đúng hình dáng cơ thể của người chết. Vì vậy, mỗi bộ trang phục này có thể được coi là "độc nhất vô nhị".
Cổ nhân tin rằng, người chết nếu được mặc Kim Lũ Ngọc Y, thi thể của họ không những không bị thối rữa mà còn có cơ hội sống lại.
Mỗi bộ Kim Lũ Ngọc Y đều được thiết kế riêng sao cho phù hợp với hình dáng cơ thể của người đã khuất. (Ảnh: Nguồn Internet).
Cổ vật tuyệt phẩm được tạo tác từ những nguyên liệu thượng hạng
Theo đánh giá của các chuyên gia khảo cổ hiện nay, giá trị của một bộ Kim Lũ Ngọc Y có thể lên tới 2,4 tỷ nhân dân tệ. Vì sao cổ vật này lại đáng giá cả gia tài như vậy?
Đầu tiên, Kim Lũ Ngọc Y được kết từ ngọc và tơ vàng. Dù vào thời xưa hay ngày nay, đây vẫn luôn là những chất liệu quý giá và đắt đỏ. Quan trọng hơn, chế tạo một bộ y phục này đòi hỏi sự phức tạp và tỉ mẩn vô cùng.
Dưới thời nhà Hán, triều đình đã từng mở ra Đông Viện với vai trò là nơi sản xuất Kim Lũ Ngọc Y. Cơ quan này sẽ chọn ra những khối ngọc thượng hạng, tiến hành đánh bóng, đục lỗ, xâu chuỗi, kết chỉ…
Phải trải qua tới mười mấy công đoạn, một bộ Kim Lũ Ngọc Y mới có thể được hoàn thành. Từ đó có thể thấy, công nghệ chế tạo cổ vật này vô cùng phức tạp, vượt xa so với những đồ tùy táng khác.
Theo sử liệu ghi lại, số tiền làm ra một bộ Kim Lũ Ngọc Y tương đương với của cải tích cóp cả đời của 100 hộ gia đình thời bấy giờ.
Vì chi phí sản xuất vốn đã đắt đỏ, lại thêm giá trị về văn hóa, lịch sử, nên Kim Lũ Ngọc Y có giá tới hàng tỷ nhân dân tệ cũng là điều dễ hiểu.
Kim Lũ Ngọc Y được tạo tác từ các miếng ngọc thượng hạng và kết lại bằng tơ vàng. (Ảnh: Nguồn Internet).
Bí mật phía sau Kim Lũ Ngọc Y: Điều kiêng kỵ của những kẻ trộm mộ
Tính đến nay, Trung Quốc đã phát hiện được 114 bộ Kim Lũ Ngọc Y. Nổi tiếng hơn cả phải kể tới bộ trang phục mai táng được tìm thấy trong lăng mộ của cháu trai Triệu Đà – Triệu Văn Vương.
Một thứ trân bảo có giá trị như vậy, hẳn phải khiến cho nhiều người khao khát sở hữu. Thế nhưng trên thực tế, giới khảo cổ lại tìm ra khá nhiều bộ Kim Lũ Ngọc Y còn nguyên vẹn.
Đâu là lý do khiến mộ tặc thời xưa bỏ qua cơ hội đổi đời nhờ cổ vật này?
Sự thực là mộ tặc thời xưa khi tìm thấy Kim Lũ Ngọc Y thì chỉ dám rút tơ vàng, chứ tuyệt nhiên không đụng tới các miếng ngọc trên bộ trang phục ấy.
Nguyên nhân khiến việc trộm Kim Lũ Ngọc Y trở thành "kiêng kỵ" trong giới đạo mộ bắt nguồn từ 2 lý do chính:
Thứ nhất, Kim Lũ Ngọc Y là biểu tượng của quyền lực, thường chỉ có hoàng tộc và quý tộc mới sở hữu. Người thường đương nhiên không dám giữ trong nhà. Cho nên trộm mộ dù lấy đi thì cũng không có "mối" để tiêu thụ.
Thứ hai, giới mộ tặc ngày xưa cũng có những nguyên tắc riêng, đặc biệt là việc kiêng kỵ trộm ngọc ở sát thân người chết. Bởi ngọc khi được đặt sát với thi thể sẽ dễ hấp thụ máu và trở thành huyết ngọc. Đây là một trong những vật xui xẻo mà người xưa rất sợ.
Chính vì vậy, không trộm Kim Lũ Ngọc Y đã trở thành "quy tắc ngầm" trong giới đạo mộ. Cũng phần nào nhờ vào quy tắc ấy mà hậu thế sau này mới có cơ hội được chiêm ngưỡng cổ vật thuộc hàng tuyệt tác như vậy.