Hầm trú ẩn Honecker Bunker vẫn có thể "sống sót" trước sự tấn công của một quả bom nguyên tử mạnh 1 triệu tấn TNT. Bí mật của nó là gì?
Ra đời vào nửa cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh diễn ra giữa Mỹ và Liên Xô, hầm trú ẩn hạt nhân Honecker Bunker là một trong những công trình trọng yếu của Đông Đức.
Ở Honecker Bunker ẩn chứa sức mạnh gì có thể chống chịu được cuộc tấn công của một quả bom nguyên tử mạnh gấp 80 lần quả bom "Little Boy" mà Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945?
Cùng quay lại thời điểm cách nay gần 6 thập kỷ....
Năm 1960,
Thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước chứng kiến những cuộc đua leo thang không ngừng nghỉ giữa Mỹ và Liên Xô trong các lĩnh vực vũ khí hủy diệt, công nghệ, không gian... Đặc biệt, trong thập kỷ 60, những căng thẳng trong ngoại giao lẫn trong cuộc chạy đua giành ngôi vị "bá vương hạt nhân" đã khiến những lo ngại về một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ-Xô dâng cao.
Tháng 5 năm 1960, vụ việc Liên Xô phát hiện Mỹ xâm nhập không phận và thực hiện do thám Liên Xô trên cao qua sự kiện Không quân Liên Xô bắn hạ máy bay trinh sát Lockheed U-2 và bắt sống phi công kiêm điệp viên CIA Francis Gary Powers, đã đẩy những căng thẳng ngoại giao vốn đã "đóng băng" giữa hai cường địch thêm phần gay gắt. Chưa hết...
Tháng 10 năm 1961, khi Liên Xô khẳng định vị thế ngôi vương trong lĩnh vực hạt nhân qua việc cho nổ thử thành công quả bom nguyên tử Sa Hoàng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại, thì hơn ai hết cả Mỹ và Liên Xô cũng như thế giới đều dấy lên những lo ngại rằng: Bom nguyên tử sẽ châm ngòi, biến "chiến tranh lạnh" trở thành một cuộc "chiến tranh nóng" có sức hủy diệt trên phạm vi toàn cầu.
Mỹ và Liên Xô tất yếu nghĩ đến kịch bản hủy diệt của một cuộc chiến hạt nhân nếu những căng thẳng ngoại giao không thể giải quyết qua lời nói. Bởi thế, họ cũng chuẩn bị cho mình những biện pháp phòng vệ. Vậy còn những quốc gia đồng minh của hai bên thì sao?
May mắn trải qua một thập kỷ (1960) không có bất cứ cuộc giao tranh hạt nhân nào giữa Mỹ-Xô, nhưng các nước đồng minh vẫn không khỏi lo ngại khi chiến tranh hạt nhân lúc nào cũng cận kề miệng hố hủy diệt.
Đó là lý do, lãnh đạo Đông Đức Erich Honecker hạ lệnh xây dựng hầm trú ẩn hạt nhân mang tên ông (Honecker Bunker) để bảo vệ VIPs (giới lãnh đạo và quan chức quân đội Đông Đức) trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra giữa Khối Xô Viết* và phương Tây.
Honecker Bunker có thể chịu được một vụ tấn công của một quả bom nguyên tử mạnh 1 triệu tấn TNT. Hình minh họa. |
Hầm trú ẩn hạt nhân Honecker Bunker được nhận định là công trình dày công, tiên tiến và trọng yếu bậc nhất thời gian đó.
Honecker Bunker được thiết kế để chống lại các vụ tấn công từ vũ khí nguyên tử, hóa học và sinh học trong trường hợp Chiến tranh Lạnh trở thành "chiến tranh nóng".
Theo tính toán, hầm trú ẩn hạt nhân Honecker Bunker có thể chịu được một vụ tấn công của một quả bom nguyên tử mạnh 1 triệu tấn TNT, tức là gấp 80 lần sức mạnh của quả bom nguyên tử "Little Boy" mà Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Để xây được công trình có sức chứa khoảng 400 người, có đủ nhu yếu phẩm cho 400 người trong 2 tuần tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, người ta dùng đến tổng hơn 85.000 tấn bê-tông gia cố để tạo dựng công trình cao 3 tầng.
Cả công trình được bao quanh bởi hai tấm chắn: Tấm chắn ngoài cùng bằng một lớp cát dày 6m; tấm chắn thứ hai bằng bê-tông dày 4,2m. Khoảng cách của cả công trình với 2 tấm chắn là 2m.
Đối với bản thân bức tường của công trình cao 3 tầng này cũng được thiết kế rất đặc biệt: Lớp tường bằng bê-tông bên ngoài dày 1,65m. Lớp tường thứ hai bằng bê-tông gia cố dày 2,4m. Toàn bộ bức tường của công trình được bao bọc bởi một lớp thép dày 8mm với mục đích trung hòa xung điện từ của vũ khí hạt nhân.
Toàn bộ công trình hầm trú ẩn Honecker Bunker hoạt động dưới áp suất không khí cao hơn so với bên ngoài. Trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ, hệ thống tự động sẽ hàn kín chỗ rò rỉ trong vòng chưa đến một giây.
"Đầu não" của hầm trú ẩn hạt nhân Honecker Bunker nằm ở tầng cuối cùng. Đây là trung tâm chỉ huy, có thể phát đi các lệnh về kỹ thuật cũng như điều phối sinh hoạt cho hàng trăm con người trong trường hợp chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Trung tâm chỉ huy của Honecker Bunker. Ảnh: Atlasobscura. |
Ngoài ra, tại đây còn có căn phòng khử nhiễm, nơi quần áo của những người trú ẩn được khử sạch phóng xạ và các loại vũ khí hóa học, sinh học độc hại.
Honecker Bunker còn có hệ thống cung cấp điện, nước và điều hòa không khí riêng biệt, hoàn toàn độc lập với mặt đất.
Với sức mạnh "khủng" như vậy, chiến tranh hạt nhân nếu có nổ ra cũng có thể biến hầm trú ẩn Honecker Bunker trở thành căn cứ ngầm an toàn với hàng trăm con người trong một khoảng thời gian dài 14 ngày (có đủ nhu yếu phẩm). Đó là lý do, nhiều người nhận định Honecker Bunker là một trong những công trình trọng yếu thời Chiến tranh Lạnh.
Năm 2008, để kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ (bức tường chia cắt Đức thành Đông Đức và Tây Đức), Đức mở cửa Honecker Bunker như một di tích lịch sử nhằm giúp người dân hiểu về một phần lịch sử của nước mình trong thời Chiến tranh Lạnh.
Những bức tường bê-tông được gia cố bên trong công trình Honecker Bunker. Ảnh: Flickr. |
Như vậy, sau 19 năm bị đóng cửa, công trình có 1-0-2 của Đông Đức chính thức trở thành nơi đón nhận hàng chục nghìn lượt khách thăm quan mỗi năm. Ước tính, có khoảng 80.000 người đã đến hầm trú ẩn Honecker Bunker thăm quan mỗi năm.
Công trình tiêu tốn rất nhiều tiền của này đã "không có cơ hội" được phát huy sức mạnh của nó (trong trường hợp chiến tranh hạt nhân nổ ra), tuy nhiên, nhờ nó mà nhiều người thời bình mới thấu hiểu được "sức nóng" của cuộc Chiến tranh Lạnh mà Mỹ và Liên Xô cùng đồng minh hai bên đã trải qua thế nào trong 4 thập kỷ liên tục.
Chú thích trong bài:
*Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thuật ngữ Khối Xô Viết (hay Khối phía Đông) được dùng để chỉ Liên Xô và các đồng minh của mình ở Trung và Đông Âu (gồm Bulgaria, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary, Ba Lan, Romania, Albania).
Trang Ly (Bài viết sử dụng nguồn: Reuters, Telegraph, Atlasobscura)
Theo Helino/Trí thức trẻ