Mạo hiểm đánh bắt tại vùng biển tranh chấp và khu đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, ngư dân Trung Quốc thường xuyên rơi vào các cuộc đụng độ hàng hải. Tại sao vậy?
Một ngư dân Trung Quốc đã bị bắn chết vào ngày 10/10 trong cuộc đụng độ với Cảnh sát biển Hàn Quốc. Trong vụ này, phía Hàn Quốc đã cáo buộc ngư dân Trung Quốc đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Sự kiện lập tức gây căng thẳng giữa 2 nước. Một tuần sau đó, một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc bị cảnh sát Nhật Bản bắt và cáo buộc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển gần quần đảo Ogasawara của nước này.
Trong những năm gần đây, khu vực này đã chứng kiến những sự cố hàng hải liên quan đến ngư dân Trung Quốc ngày một tăng. Những sự cố đó góp phần vào tình trạng căng thẳng hàng hại và thậm chí còn gây ra đụng độ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khu vực. Để ngăn chặn hay quản lý các sự cố hàng hải liên quan đến ngư dân Trung Quốc, điều quan trọng là phải hiểu những yếu tố đứng sau thúc đẩy sự hiện diện ngày càng tăng của ngư dân nước này ở vùng biển tranh chấp hay thậm chí là vùng EEZ của các nước khác. Truyền thông phương Tây và một số học giả cho rằng lý do rất đơn giản: Trung Quốc đã trang bị vũ khí cho ngư dân của mình để củng cố tuyên bố chủ quyền tại vùng biển tranh chấp. Việc mở rộng đánh bắt của Trung Quốc được thúc đẩy, họ lập luận rằng vì mục đích chính trị và chiến lược, dựa trên chiến lược “đánh bắt, bảo vệ, tranh cãi và xâm chiếm”.
Sự cân nhắc chiến lược
Với tính chất xuyên biên giới, việc đắt bắt hải sản chắc chắn mang chức năng ngoại giao và chính trị quan trọng, đặc biệt là ở vùng biển tồn tại tranh chấp. Không còn là bí mật khi trong nhiều thập kỷ nay, Trung Quốc (cũng như Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác) đã xem ngư dân như nhân tố quan trọng trong việc tăng cường sự hiện diện hàng hải trên vùng biển tranh chấp của mình.
Các ngư dân được hỗ trợ về Chính sách, tài chính để đánh cá tại vùng biển đang có tranh chấp. Và trên cơ sở đặc biệt, các nước triển khai ngư dân, tàu cá tới đối đầu với nhau trong các cuộc khủng hoảng hàng hải. Ví dụ, cả Việt Nam và Trung Quốc đều cử tàu cá tới khu vực mà giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam thời gian gầnđây. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi xem những ý đồ chiến lược của chính phủ Trung Quốc là yếu tố chính đằng sau việc số lượng sự cố đánh cá liên quan đến ngư dân nước này ngày càng tăng.
Thứ nhất, các sự cố đánh cá liên quan đếnn gư dân Trung Quốc không chỉ xảy ra ở vùng biển tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông – những nơi Trung Quốc đang tăng cường khiếu nại hàng hải. Thực tế, các sự cố đó xảy ra ở hầu hết mọi nơi, như vùng EEZ của Hàn Quốc – nơi mà trước đó từng xảy ra sự cố giữa Nga, Triều Tiên, Indonesia và Palau.
Một thuyền trưởng tàu đánh cá của Trung Quốc bị cảnh sát Nhật Bản bắt và cáo buộc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển gần quần đảo Ogasawara. Ảnh minh họa
Thứ hai, mối quan hệ giữa chính phủ Trung Quốc và ngư dân là rất phức tạp. Một mặt, rất khó khăn để chính phủ Trung Quốc kiểm soát và quản lý ngư dân cũng như ngăn họ đánh bắt trái phép. Mặt khác, các ngư dân luôn không tin tưởng quan chức chính phủ. Trong chiến dịch chống khủng bố mới đây nhất tại Hải Nam, hàng chục quan chức từ Cục quản lý ngư nghiệp Trung Quốc đã bị bắt vì tội ăn cắp, chiếm trợ cấp nhiên liệu của ngư dân.
Thứ ba, lý lẽ địa chính trị không thể giải thích tại sao chính phủ Trung Quốc (với một vài trường hợp ngoại lệ) lại không bồi thường tài chính cho rất nhiều ngư dân bị nước láng giềng giam giữ, quấy rối. Thật vậy, một số ngư dân còn bị phạt tiền hoặc cắt nguồn trợ cấp nhiên liệu từ chính phủ sau khi họ trở về Trung Quốc.
Thứ tư, trong khi Trung Quốc xuất hiện ngày một quyết đoán hơn tỏng việc thi hành khiếu nại hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông thì việc duy trì sự ổn định hàng hải tại khu vực vẫn là ưu tiên hàng đầu của họ. Như vậy, có vẻ như Trung Quốc chẳng có lợi ích gì khi cố tình đưa ngư dân đến vùng biển tranh chấp để khuấy động căng thẳng với các nước láng giềng. Đây chính là lý do tại sao Trung Quốc cấm ngư dân đánh bắt cá gần bãi cạn Scarborough sau bế tắc hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra năm 2012. Điều đó cũng giải thích tại sao Trung Quốc không trợ cấp nhiên liệu đánh bắt cá đặc biệt cho việc đánh bắt ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mặc dù nhiều ngư dân và học giả kêu gọi điều này.
Sự thay đổi cấu trúc
Năm 1985, gần 90% tổng số khai thác hải sản của Trung Quốc đến từ các vùng biển ven bờ, chủ yếu là ở biển Hoàng Hải và Bột Hải. Việc đánh bắt xa bờ, chủ yếu diễn ra tại biển Hoa Đông và quanh Biển Đông chỉ chiếm 10%. Đến năm 2002, sản lượng đánh bắt gần bờ đã giảm xuống dưới 65% trong tổng số, còn đánh bắt xa bờ tăng lên 35%. Trong khi dữ liệu quốc gia về đánh bắt hải sản gần bờ và xa bờ không có từ năm 2002, dữ liệu từ cấp tỉnh và các nguồn khác cho thấy sự thay đổi cấu trúc từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ còn tiếp tục. Đánh bắt hải sản tại các vùng biển xa bờ ở biển Hoa Đông và Biển Đông tăng lên chóng mặt. Sự chuyển dịch cơ cấu từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ là kết quả của tác động tổng hợp giữa ảnh hưởng thị trường và các chính sách đánh bắt của chính phủ.
Khi thu nhập tăng, người Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều hải sản. Bình quân đầu người tiêu thụ hải sản đã tăng 100 % trong 2 thập kỷ qua. Mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản đã phát triển để đáp ứng nhu cầu người dùng nhưng những lo ngại về an toàn của sản phẩm nuôi đã thúc đẩy đánh bắt. Thêm vào đó, việc đánh bắt gần bờ những năm qua đã khiến nguồn lợi thủy sản tụt giảm,. Do đó, thị trường đã thúc đẩy ngành đánh bắt Trung Quốc tiếp tục mở rộng ra những vùng biển xa bờ, thậm chí xa hơn.
Chính sách của chính phủ
Để đối mặt với nhu cầu sản phẩm hải sản ngày càng tăng và giảm nguồn cung ở vùng biển ven bờ, chính phủ Trung Quốc đã có những bước đi quan trọng để kiềm chế đánh bắt, khai thác hải sản, chủ yếu ở khu vực ven bờ, nơi có những loài đặc hữu. Ví dụ, để giới hạn việc đánh bắt và bảo tồn các nguồn tài nguyên, Trung Quốc dã áp đặt lệnh cấmđánh bắt ở Biển Đông kể từ năm 1990. Tuy nhiên, lệnh cấm này lại không bao gồm quần đảo Trường Sa và điều này đã khuyến khích ngư dân Trung Quốc tới đánh bắt tại vùng biển này trong thời gian diễn ra lệnh cấm.
Đối với đội tàu cá của mình, Trung Quốc áp dụng chính sách không tăng trưởng. Cuối những năm 1990, Trung Quốc đã ngừng cấp giấy chứng nhận đánh bắt mới và bắt đầu khuyến khích ngư dân phá hủy tàu cũ, tạo công ăn việc làm trên đất liền. Tuy nhiên, vào năm 2006, khi Trung Quốc đưa ra quyết định lịch sử là xóa bỏ thuế nông nghiệp và trợ cấp sản xuất nông nghiệp, ngành đánh bắt cá cũng đã nhận được nguồn hỗ trợ khổng lồ. Chương trình này đã cản trở nỗ lực giảm đội tàu đánh cá của nước này. Ngư dân đã tiến hành xây dựng những tàu cá mới hơn, hiện đại hơn, lớn hơn.
Khi được trang bị những tàu đánh cá lớn và tốt hơn, ngư dân Trung Quốc tự nhiên mạo hiểm đi xa hơn, kể cả vùng biển đang tranh chấp hay là vùng đặt quyền kinh tế của nước khác – những nơi mà nguồn cá rất dồi dào.
Bảo Linh/Người đưa tin (tin tức The Diplomat)