Trong gần 2 tuần của tháng 10, Trung Quốc đã ngưng toàn bộ hoạt động tuần tra tại vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Senkaku. Tại sao vậy?
Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) thông báo Trung Quốc đã chấm dứt hoạt động cao bất thường tại vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông từ 4-16/10.
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển nằm liền kề vùng lãnh hải, được mở rộng từ 12 hải lý đến 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong khu vực này, một quốc gia có thể thực hiện kiểm soát cần thiết để ngăn chặn các hành vi xâm phạm hải quan, tài chính, xuất nhập cảnh hay các quy định luật vệ sinh trong lãnh hải hoặc lãnh thổ và trừng phạt các hành vi vi phạm luật cũng như quy định đó.
Trung Quốc ngưng toàn bộ hoạt động tuần tra ngay sau khi JCG thông báo phát hiện ra Bắc Kinh tiến hành tuần tra vùng tiếp giáp lãnh hải 27 ngày trong tháng. Số tàu Trung Quốc lên đến 110 tàu vào tháng 9 – con số cao nhất tại khu vực này kể từ tháng 11/2012, khi căng thẳng Trung-Nhật leo thang do vụ chính phủ Nhật mua 3 trong số 5 hòn đảo từ công dân Nhật 2 tháng trước đó. Lần cuối cùng JCG quan sát thấy Trung Quốc ngưng tuần tra một thời gian dài là tháng 2 vừa qua.
Dữ liệu lịch sử cho thấy các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện tương đối ổn định trong vùng tiếp giáp lãnh hải quanh các quần đảo mà 2 nước tranh chấp. Khoảng 2 tuần trong năm qua, Trung Quốc đã cử một vài tàu từ vùng tiếp giáp lãnh hải tới vùng biển của mình để khẳng định chủ quyền. Việc xâm nhập vào lãnh hải đã diễn ra thường xuyên hơn trong 1 năm sau khi chuyển giao quyền sở hữu cho chính phủ Nhật Bản, nhưng tiến hành tuần tra 2,3 lần/tháng mới bắt đầu vào tháng 10/2013. Nhưng sau 2 cơn bão đi qua biển Hoa Đông vào tháng 10/2014, các tàu tuần tra của Trung Quốc đã không còn xuất hiện ở đây trong vòng 13 ngày nay.
Hoạt động tuần tra vùng tiếp giáp lãnh hải của Trung Quốc trong tháng 4/2010. Nguồn: http://www.kaiho.mlit.go.jp/senkaku/index.html
Tại sao Trung Quốc lại ngừng các hoạt động của mình lại? Mặc dù không thể nói chắc chắn, nhưng đây có lẽ là một phần trong nỗ lực chung nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong mối quan hệ Trung-Nhật trước cuộc gặp cấp cao giữa chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra vào tháng 11 tới.
Hai bên đã có những hoạt động ngoại giao để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đầu tiên này. Gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã bắt tay với Thủ tướng Shinzo Abe trong bữa tối tại Milan ngày 17/10.
Việc tạm dừng tuần tra có thể là một phần của quá trình thương lượng về giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa 2 quốc gia. Ngày 16/10, tờ Mainichi Shimbun đưa tin tức Nhật Bản đã đưa ra 3 đề nghị cho các cuộc đàm phán với Trung Quốc về tình trạng của quần đảo Senkaku. Thứ nhất, Thủ tướng Abe sẽ tái khẳng định với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Senkaku là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản. Sau đó, ông Abe sẽ thừa nhận rằng Trung Quốc cũng giống như vậy. Và cuối cùng ông đề nghị giải quyết vấn đề thông qua đối thoại song phương trong thời gian tới.
Trung Quốc đã yêu cầu ông Abe thừa nhận sự tồn tại tranh chấp lãnh thổ và coi đó như tiền đề cho cuộc găp song phương bên lề hội nghị APEC.
Tại sao Trung Quốc dùng tàu để báo hiệu thay vì ngôn từ? Tàu thuyền có thể đại diện để Trung Quốc gửi đi thông điệp rõ ràng tới Nhật Bản trong khi đang tránh công khai trong nước. Đầu tiên, hoạt động của tàu thuyền gắn liền với tranh chấp tại Senkaku. Điều đó nghĩa là hoạt động của các tàu này là thông điệp rõ ràng về tình trạng tranh chấp. Thứ hai, sự hiện diện và số lượng tàu tại khu vực thường đi liền với những thăng trầm của tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ song phương. Thứ ba, Trung Quốc biết người Nhật chú ý tới mô hình triển khai tàu thực thi pháp luật của mình.
JCG giữ một hồ sơ công khai về hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển của họ cũng như vùng tiếp giáp lãnh hải. Việc Trung Quốc ngưng tuần tra tại vùng tiếp giáp lãnh hải trong thời gian qua có thể được nhìn thấy trong hồ sơ của Nhật Bản. Điều này tương phản với các hoạt động tăng cao trong tháng 9. Người Nhật sẽ đặc biệt chú ý tới sự bất thường này và có thể đem ra để lập luận trong cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Abe tại APEC.
Nhưng một câu hỏi cuối cùng: tại sao các tàu Trung Quốc quay trở lại vùng tiếp giáp lãnh hải vào ngày 17/10 và xâm nhập vào vùng biển Nhật Bản? Sự trở lại này có thể hiểu đơn giản đó là giới hạn mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin họ nên tạm dừng các hoạt động bình thường của Cảnh sát biển Trung Quốc để Nhật Bản sẵn sàng thừa nhận rằng tranh chấp lãnh thổ tồn tại.
Việc tạm dừng tuần tra trong vùng tiếp giáp lãnh hải 2 tuần có lẽ là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thiết lập một tiêu chuẩn mới tại biển Hoa Đông – với điều kiện Nhật Bản thừa nhận sự tồn tại của tranh chấp lãnh thổ. Nếu ông Abe mặc nhiên công nhận tuyên bố của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh có thể được thuyết phục rằng sự hiện diện leo thang để khẳng định chủ quyền là không cần thiết.
Mặc dù Trung Quốc giảm tuần tra ở cả 2 khu vực lãnh thổ và vùng tiếp giáp lãnh hải, những căng thẳng cũng theo đó mà giảm đi nhưng việc này dẫn tới hình thành một hiện trạng mới ở khu vực. Việc nối lại đàm phán giữa 2 nước có thể góp phần làm giảm căng thẳng trên biển Hoa Đông và cải thiện quan hệ song phương Trung-Nhật.
Bảo Linh/Người đưa tin (tin tức The Diplomat)