Trong khi truyền thông và nhiều nhà quan sát cho rằng, quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên sẽ đổ vỡ vì chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, song nhìn từ lịch sử và quan điểm lợi ích quốc gia, quan hệ giữa Trung – Triều vẫn ổn định, và vẫn sẽ như vậy, bất chấp thời gian qua nó có nhiều dấu hiệu nguội lạnh.
Việc Triều Tiên đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân là chủ đề phủ kín các mặt báo trong thời gian gần đây, The Diplomat cho biết. Theo đó, truyền thông phương Tây và các nhà quan sát Trung Quốc dường như tin rằng lợi ích chiến lược của Trung Quốc sẽ bị giảm sút, thậm chí, quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng có thể hoàn toàn đổ vỡ. Tuy nhiên, xét trên quan điểm lợi ích quốc gia thực sự, Trung Quốc và Triều Tiên sẽ không quay lưng với nhau, bất chấp thực tại mối quan hệ hai nước đang ngày càng lạnh nhạt. Xét về lâu dài, trên quan điểm lịch sử, quan hệ giữa hai nước sẽ dần ổn định trở lại và tiếp tục được tăng cường hơn, với một điều kiện: tình trạng bế tắc của vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ không kéo dài mãi mãi.
Trong tất cả những mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á, quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên tương đối ổn định. Ảnh: The Diplomat |
Trong tất cả những mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á, quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên tương đối ổn định và có nhiều hoạt động qua lại. Sự gần gũi về địa lý - một điều kiện không gì có thể thay đổi - chính là yếu tố quan trọng khiến quan hệ hai bên không thể nào đổ vỡ. Một phần trong Chính sách ngoại giao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đẩy mạnh tìm kiếm các nước đồng minh là láng giềng Trung Quốc, thậm chí Bắc Kinh còn từng tiếp cận cả Philippines và Nhật Bản để khắc phục những khác biệt. Bởi vậy, chẳng có lý do gì mà Trung Quốc bỏ rơi Triều Tiên để tạo ra một điểm nóng lớn ngay dọc biên giới đông bắc.
Tầm quan trọng của quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên càng được đánh giá cao hơn khi người ta nhìn vào mối quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc và Mỹ bất đồng quan điểm trong nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, nhân quyền, thương mại và Biển Đông. Trung Quốc xảy ra tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku với Nhật Bản và những vấn đề liến quan đến lịch sử (điển hình là đền thờ Yasukuni). Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tồn tại nhiều vấn đề như tranh cãi chủ quyền dải đá ngầm Ieodo / Suyan, sự hiện diên quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và những người đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc.
Trong khi đó, giữa Trung Quốc và Triều Tiên lại không tồn tại điểm nóng song phương đáng kể nào. Trường hợp ngoại lệ là việc Triều Tiên phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Đây có thể được xem như là vấn đề tranh cãi đa phương, vượt qua mối quan hệ Trung - Triều và có liên quan đến cả Mỹ và Hàn Quốc. Trung Quốc nhận thức được rằng việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường an ninh của Trung Quốc và tất cả khu vực Đông Bắc Á. Do đó, trong vai trò là người bạn thân cận nhất của Triều Tiên, Bắc Kinh đã đề xuất các cuộc đàm phán 6 bên để cho phép các bên liên quân được quyền thương thuyết và giải quyết tranh cãi. Các cuộc đàm phán 6 bên thực sư là nỗ lực của Trung Quốc để thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Phương Tây nhận thức được điều này. Đó là lý do tại sao mỗi khi đề cập đến kẻ đứng sau vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ đều chỉ ngay ngón tay về Trung Quốc.
Lịch sử cho thấy những vụ phóng tên lửa hay thử hạt nhân của Triều Tiên không hề ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Triều. Ảnh: Xinhua |
Tuy nhiên, trong lịch sử, quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên chưa bao giờ bị ảnh hưởng đáng kể bởi chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Khi Triều Tiên phóng tên lửa Taepodong-1 vào năm 1998, một làn sóng phản đối quốc tế va các lệnh trừng phạt đã diễn ra sau đó. Chưa đầy 2 năm sau, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã bí mật đến thăm Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân cũng đã đến thăm chính thức như một cách đáp trả Bình Nhưỡng vào năm 2001 và được đón tiếp hết sức long trọng.
Khi Triều Tiên rời khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 2003 và xác định phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã nhanh chóng tổ chức một cuộc đàm phán 6 bên. Tháng 10 năm đó, Chủ tịch Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc đã đến thăm Triều Tiên và cũng được đón tiếp trọng thể. Tiếp đó là chuyến thăm khác của ông Kim Jong-il sang Trung Quốc vào tháng 4/2004.
Năm 2006, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng cho chuyến thăm cấp nhà nước đến Bình Nhưỡng, chỉ một năm trước vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Động thái này không chỉ là sự chứng thực mối quan hệ hữu nghị và tích cực giữa hai nước, mà còn nhằm thể hiện mối quan ngại về sự leo thang chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Cuộc đàm phán ngoại giao bí mật giữa Trung Quốc và Triều Tiên tiếp tục diễn ra sau vụ thử hạt nhân, với việc Bắc Kinh trở thành chìa khóa quan trọng để thuyết phục Triều Tiên. Tháng 1/2006, ông Kim Jong-il lại bí mật đến Bắc Kinh, 3 tháng sau chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào. Tháng 10/2006, Triều Tiên cho nổ một thiết bị hạt nhân.
Còn nữa...
Lê Huyền (The Diplomat)