Ngày 8/9, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 5, đây là vụ thứ thứ hai kể từ tháng 1/2016.
Chính quyền Triều Tiên đã xác nhận vụ thử, tuyên bố hiện đã có được "một loạt các đàu đạn hạt nhân đa dạng, nhẹ hơn và nhỏ hơn với sức tấn công lớn hơn... được chuẩn hóa để gắn vào các tên lửa đạn đạo chiến lược.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đã báo cáo về một cơn địa chấn mạnh 5,3 độ Richter gần bãi thử Punggyi-ri. Mức độ dư chấn này phù hợp với những vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên mặc dù lần này mạnh hơn. Một chuyên gia nhận xét rằng vụ nổ có thể là từ 10-20 kiloton và là vụ thử lớn nhất từ trước tới nay, có kích thước bằng vụ nổ hạt nhân Hiroshima.
Rõ ràng, Triều Tiên đã trở nên hung hăng hơn và đã đến lúc Mỹ hành động nhiều hơn bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Triều Tiên vừa tiến hành thử hạt nhân lần thứ 5. Ảnh minh họa |
Chỉ riêng trong năm nay, Triều tiên đã có hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tục. Ngoài 2 vụ thử hạt nhân, ông Kim Jong-un đã thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa, một tên lửa di động tầm trung, một tên lửa phóng từ tàu ngầm, các tên lửa tầm ngắn và tầm trung được nâng cấp, công nghệ phương tiện tái nhập khí quyển, một động cơ tên lửa nhiên liệu rắn mới và một động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu lỏng được cải thiện.
Trong 4 năm nắm quyền của ông Kim, Bình Nhưỡng đã tiến hành 37 vụ thử tên lửa, nhiều gấp đôi với thời cha ông, Kim Jong-il, nắm quyền suốt 17 năm. Triều Tiên hiện nay có khả năng đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân, nhắm vào các căn cứ của Mỹ ở Guam và tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân để đe dọa nước Mỹ.
Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để đối phó với hành vi vi phạm mới nhất của Bình Nhưỡng. Hội đồng có xu hướng dành những phản ứng gay gắt nhất cho những vụ thử hạt nhân. Vào tháng 3, Liên hợp quốc đã thông qua UNSCR 2270, trong đó bao gồm những biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay dành cho Triều Tiên. Việc giải quyết khó khăn hơn phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng và việc phải đương đầu với thách thức mà chính quyền Triều Tiên đặt ra.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một lá bài bất ngờ trong các cuộc thảo luận của Liên hợp quốc. Nước này thường yêu cầu những phản ứng yếu hơn và chỉ thực thi những lệnh trừng phạt cần thiết một cách yếu ớt. Gần đây, Bắc Kinh đã ngăn cản bất cứ phản ứng nào của Liên hợp quốc đối với vụ thử tên lửa của Triều Tiên để trả đũa việc Mỹ lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Hàn Quốc. Nhưng sau đó, Trung Quốc đã đồng ý với một tuyên bố của Liên hợp quốc, sử dụng ngôn từ gay gắt đối với vụ thử tên lửa gần đây nhất của Bình Nhưỡng.
Để đối phó với vụ thử hạt nhân mới nhất, Mỹ và các đồng minh nên kêu gọi LHQ đánh vào một số thủ thuật né tránh đối với các nghị quyết trừng phạt, đáng chú ý nhất là loại bỏ việc miễn lệnh cấm Triều Tiên xuất khẩu các nguồn tài nguyên. Nhưng Trung Quốc vẫn sẽ là đối tác miễn cưỡng, sợ rằng một phản ứng mạnh hơn của quốc tế có thể khích Triều Tiên leo thang hơn hoặc chính quyền sụp đổ.
Sự miễn cưỡng gây áp lực cho đồng minh của Trung Quốc khiến Bình Nhưỡng cảm giác mình không bị trừng phạt, điều này khuyến khích họ hiếu chiến hơn nữa. Triều Tiên sẵn sàng thách thức trực tiếp những lời kêu gọi cho hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa của Trung Quốc.
Chính quyền Obama cũng đã dè dặt trong việc thự thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên cho tới khi bị áp lực từ pháp chế của quốc hội gần đây (Đạo luật Thực thi Chính sách và Trừng phạt Triều Tiên). Chính quyền vẫn chưa áp đặt lệnh trừng phạt thứ hai lên các cá nhân, tổ chức Trung Quốc tạo điều kiện cho những cơ quan bị cấm của Triều Tiên.
Những lệnh trừng phạt và các biện pháp tài chính được nhắm tới có thể mất thời gian để tác động lên tình hình tài chính của Triều Tiên. Nhưng trong thời gian ngắn, những biện pháp thực thi của Mỹ và luật quốc tế, ắp đặt hình phạt lên các vấn đề vi phạm, hạn chế dòng chảy vào và việc xuất khẩu các hàng hóa cho chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Khó khăn sẽ còn kéo dài cả quá trình. Hiện tại, một số người đã bày tỏ sự thiếu kiên nhẫn đối với những biện pháp trừng phạt kéo dài nhiều tháng trời và chủ trương quay trở lại những nỗ lực ngoại giao dài nhiều thập kỷ vốn đã thất bại.
Mỹ và các đồng minh của mình đồng thời phải thực hiện các bước để tăng cường sự phòng vệ, chống lại sự mở rộng các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa nhanh chóng của Triều Tiên, trong đó có việc triển khai THAAD tới Hàn Quốc, tăng cường sự hội nhập của Hàn Quốc vào mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo liên minh và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển để chống lại mối đe dọa tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên.
Bảo Linh (National Interest)