Hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Roman Martov cho biết Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến S-400 tới khu vực Kamchatka, Viễn Đông.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga |
Trong khi khu vực dân cư thưa thớt này cách xa vùng chiến sự miền đông Ukraine, các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã được đưa tới đây và nằm cách không xa tiểu bang Alaska của Mỹ.
"Sự kiện này được bắt đầu bằng các cuộc tập trận của hạm đội tại trung tâm phòng không và đào tạo hàng không Gatchina để đồng hóa các vũ khí mới", ông Martov nói. "Hơn 200 binh lính của trung đoàn đã được huấn luyện lại sau khi loại vũ khí này được đưa vào sản xuất hàng loạt. Toàn bộ hệ thống phòng không S-400 của trung đoàn đã có cuộc bắn thử thành công tại trường bắn Kapustin Yar và sẽ được vận chuyển tới Kamchatka bằng đường sắt".
S-400 được biết đến như một loại vũ khí phòng thủ, là một trong những hệ thống tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới, thường được so với hệ thống Patriot của Mỹ. Nó có thể chống lại 36 mục tiêu bằng cách bắn ra 72 tên lửa một lần. Những tháng gần đây, cả Belarus và Trung Quốc đều tỏ ra quan tâm đến loại vũ khí mới này và Bắc Kinh sẽ trở thành người mua nước ngoài đầu tiên.
Chi tiêu quân sự của Nga những năm qua. Nguồn: FindTheData |
Điện Kremlin cũng đã ký hợp đồng bán S-300 hồi đầu năm nay cho Iran. Đây là phiên bản đời trước của S-400. Trong khi thỏa thuận này có thể gây náo động cho Mỹ, Ả Rập Saudi và Israel, nó có thể tiếp tục diễn ra. Thương vụ này cũng mâu thuẫn với thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết gần đây, trong đó nghiêm cấm việc bán công nghệ tên lửa cho Tehran trong 8 năm.
"Việc mua tên lửa S-300 không thuộc thẩm quyền của nghị quyết mà Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua thời gian gần đây", Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Abbas Aragchi nói. Ông này cho biết thêm rằng nghị quyết của LHQ chỉ có 7 hạn chế và giờ đây, nó "đặt nền tảng cho việc hợp tác kinh tế với một vài nước không có quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo (của Iran) do các lệnh trừng phạt".
Bằng cách đặt hệ thống tại rìa eo Bering - vùng biển nối vùng Viễn Đông của Nga với Alaska, Moscow đã vũ trang lại cho một khu vực vốn đã lắng xuống kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Động thái này phù hợp với tình hình quân sự mới của Nga trên toàn cầu khi mà họ có vẻ như đang muốn thiết lập lại vị thế quân sự của mình để cân bằng với Mỹ.
Bảo Linh (theo IBTimes)