Thông tin mới nhất trên Vnexpress và Vietnamnet cho biết vào hôm 28/3, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã kết thúc phiên họp đầu tiên về đàm phán lương tối thiểu vùng.
Theo đó, mức tăng cụ thể chưa được công bố nhưng các bên đã tính đến thời điểm điều chỉnh. Theo như thông lệ, phương án cũng như thời điểm tăng lương thường được chốt vào phiên họp thứ 3 và nhanh nhất có thể vào phiên thứ 2 khi các bên tìm được tiếng nói chung.
Theo bà Vi Thị Hồng Minh - PGĐ Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong phiên họp đầu tiên, phía VCCI nêu quan điểm nếu như điều chỉnh thì nên điều chỉnh vào đầu năm 2023 do phù hợp với năm tài chính.
Phía VCCI cho rằng đầu năm, đa phần các doanh nghiệp đều có xáo trộn như tuyển mới công nhân nên tiền lương điều chỉnh vào thời điểm này có thể giúp cho các doanh nghiệp thu hút và giữ chân được người lao động, ổn định sản xuất cả năm. Nếu như điều chỉnh quá gấp gáp vào tháng 7 tới thì doanh nghiệp sẽ rơi vào thế khó.
Ngoài ra, phía VCCI cũng cần trao đổi thêm với các hiệp hội nhằm khảo sát cụ thể về khả năng chi trả cũng như những hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm của các doanh nghiệp.
Nguyên nhân là do sau dịp Tết Nguyên đán, hàng loạt lao động là F0 và F1 đã khiến cho quá trình sản xuất bị gián đoạn. Những dư âm của đợt dịch trước đó có thể kéo dài hết năm nên các doanh nghiệp cần thêm thời gian để phục hồi.
Đại diện VCCI cho rằng việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng không tác động đến toàn bộ lao động mà chủ yếu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước quan điểm này, đại diện công đoàn Việt Nam vẫn kiên định với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 thay vì thông lệ từ 1/1 như những năm trước.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Chính sách pháp luật thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì mức lương tối thiểu được xem là mức sàn thấp nhất có ý nghĩa bảo vệ người lao động yếu thế, đây cũng là căn cứ để thương lượng mức tiền lương trên thực tế.
Phía công đoàn Việt Nam cũng chỉ ra con số thống kê cho thấy GDP quý I năm nay đã tăng 5,03% và các chỉ số đều cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp ngày càng lớn. Chính vì thế, đây là thời điểm cần chia sẻ với người lao động sau hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh.
'Doanh nghiệp khó khăn nhưng người lao động cũng đã đến ngưỡng chịu đựng. Cần tăng lương sớm để tránh tình trạng dồn nhiều năm mới tăng tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp', ông Quảng bày tỏ quan điểm.
Cũng theo đại diện của công đoàn Việt Nam, lương tối thiểu vùng gần 2 năm không điều chỉnh đã gây ra những bất ổn trong quan hệ lao động, dẫn đến tình trạng ngừng việc tập thể.
Về mức tăng, các bên hiện vẫn chưa đưa ra được phương án cụ thể, nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tính toán tăng lương phải bù được trượt giá trong 2 năm qua, đặc biệt là quý I năm nay khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 1,92% so với cùng kỳ và lạm phát cơ bản đã tăng 0,81%.
Theo công đoàn, khó có thể đề xuất mức tăng bù đắp cho cả hai năm qua bằng cách nhân đôi 7,4% bởi doanh nghiệp không 'chịu được nhiệt'. Tuy nhiên, cũng cần cân bằng cho cả hai phía và mức tăng cũng không thể thấp hơn bình quân giai đoạn trên.