Tin mới

5 chính sách mới chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2022

Thứ sáu, 01/04/2022, 09:03 (GMT+7)

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hay bổ nhiệm xếp lương giảng viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng... là hai trong số các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022.

1. Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

UB Thường vụ Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Nghị quyết được áp dụng trong thời gian từ 1/4 đến 31/12/2022. 

Theo đó, thuế môi trường với xăng (trừ ethanol) giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít; thuế với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít.

Mức thuế với mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; thuế với dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Riêng nhiên liệu bay thì thuế giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.

2. Làm thêm không quá 60h trong 1 tháng

Theo như Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) giữa tình hình dịch Covid-19.

Cụ thể, tại khoản 1 điều 1 của nghị quyết, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định như sau: 

Trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp sau đây: NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nghị quyết quy định không áp dụng khoản 1 điều này đối với trường hợp được quy định tại khoản 3 điều 107 của Bộ Luật Lao động.

Nhiều chính sách mới liên quan đến quyền lợi của người lao động. Ảnh: Internet
Nhiều Chính sách mới liên quan đến quyền lợi của người lao động. Ảnh: Internet

Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định: Trường hợp NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

NSDLĐ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, NSDLĐ thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

3. Hỗ trợ lao động ngành du lịch học nghề 1,5 triệu đồng/tháng

Theo thông tư 12/2022/TT-BTC quy định việc doanh nghiệp, tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch với số tiền như sau:

Theo đó, người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng được hỗ trợ theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa.

4. Chế độ hưởng tiền lương với viên chức quốc phòng thôi việc

Theo như Nghị định 19/2022/NĐ-CP hướng dẫn chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc sẽ chính thức có hiệu lực từ 15/4.

5 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022 mà người lao động nên biết. Ảnh: Internet
5 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2022 mà người lao động nên biết. Ảnh: Internet

Theo đó, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc hưởng trợ cấp một lần và cứ mỗi năm công tác sẽ được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc. 

Tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp 1 lần với công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi công nhân, viên chức quốc phòng thôi việc.

5. Bổ nhiệm và xếp lương giảng viên chỉ cần 1 chứng chỉ bồi dưỡng

Theo như quy định mới tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT (sửa đổi Thông tư 35/2020; Thông tư 40/2020) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện họ đã không còn yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cho từng hạng như hiện nay. 

Thay vào đó sẽ là quy định chung các hạng giảng viên chỉ cần duy nhất một chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 19/4/2022.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news