Tình thế căng thẳng những năm 1980 khiến các chính trị gia định nghĩa một cách sâu cay: "Lầu Năm Góc đã gí nòng khẩu Colt vào cổ họng Kremlin".
LTS: Trong Chiến tranh Lạnh, đã xảy ra những cuộc đối đầu tuy âm thầm nhưng cũng hết sức khốc liệt giữa các tàu ngầm hạt nhân Liên Xô và Mỹ, có thời điểm suýt chút nữa đã đẩy thế giới đến bờ vực của sự hủy diệt. Thật may là điều tồi tệ nhất đã không xảy ra. Các nhà lãnh đạo của cả 2 phe đã giữ được "những cái đầu lạnh".
Tuy nhiên, có rất nhiều bí mật mãi tới gần đây mới dần dần được hé lộ. Qua hồi ký mang tên "Những người khuấy động biển sâu" của Đại tá Hải quân Liên Xô Nikolai Andreyevich Cherkashin, chúng ta phần nào sẽ hiểu được tình hình lúc đó căng thẳng đến mức nào. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chuẩn Đô đốc Nikolai Nikolaevich Malov, có lẽ thích hợp với khái niệm "hiệp sĩ" trong kỷ nguyên tên lửa - hạt nhân hơn ai hết.
Ông và các đồng đội của ông tại Sư đoàn tàu ngầm hạt nhân chiến lược số 19 đã mặt đối mặt với quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh - Hoa Kỳ, và toàn bộ sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ, toàn bộ "Đoàn tùy tùng của Tổng thống" đã được phái đến chống con tàu của ông - tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo chiến lược K-137 ...
Một tàu ngầm Liên Xô có thể quét sạch 100 thành phố Mỹ
Chuẩn Đô đốc Nikolai Nikolaevich Malov cho biết mỗi thuyền trưởng trên đại dương, tiến hành cuộc quyết đấu tay đôi không chỉ với các lực lượng chống tàu ngầm, mà còn cả với chính phủ Mỹ, với trung tâm đầu não quân sự của nó - Lầu Năm Góc.
"Bạn hãy tự phán xét - tôi thường đi tới bờ biển nước Mỹ, mang theo trên tàu 16 quả tên lửa đạn đạo, mỗi quả đạn trong số này có sức hủy diệt cao hơn 20 lần quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima...
Trong đó các đầu đạn tên lửa sẽ tách ra trong không trung thành các đầu đạn con độc lập, mỗi đạn con đều "nhớ" mục tiêu của nó ...
Chỉ một tàu ngầm tuần dương mang tên lửa đề án 667 có thể quét sạch khỏi mặt đất hơn 100 thành phố của Mỹ với dân số vài trăm ngàn người.
Và chúng ta cũng phải chịu mức thiệt hại không ít hơn trong trường hợp tên lửa "Pershing" bắn vào Liên Xô từ lãnh thổ Đức. Vì vậy mà dẫn tới các "vòng đấu luân lưu" tương tự trong suốt ba năm ròng... Hành trình dọc bờ biển Mỹ của các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Xô Viết bắt đầu vào tháng 12 năm 1983".
Tàu ngầm K-137 của Hải quân Liên Xô. |
Căng như dây đàn: "Gí tên lửa hạt nhân vào đầu nhau"
Chính trong năm đó Chiến tranh Lạnh làm bùng lên tiếng gầm có lẽ là mạnh nhất của người Mỹ trong cuộc khủng hoảng thứ hai sau Khủng hoảng tên lửa Cuba, khi bất chấp sự phản đối của cả dư luận nước mình lẫn thế giới, họ vẫn triển khai các tên lửa đạn đạo có cánh kiểu "Pershing" ở Tây Âu.
Thời gian bay đến Moskva của đạn "Pershing" phóng đi từ Bavaria giảm xuống chỉ còn 6-7 phút. Ngay cả khi trực ban sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất thì hệ thống phòng không của Liên Xô cũng không đủ thời gian kịp đánh chặn đạn tên lửa có cánh mang đầu tác chiến hạt nhân.
Tình thế lúc đó được các chính trị gia định nghĩa một cách sâu cay như sau: "Lầu Năm Góc đã gí nòng khẩu Colt của nó vào cổ họng Kremlin".
Tình hình tương tự từng xảy ra đầu những năm 1960, khi các chiến lược gia Mỹ triển khai tên lửa của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Lúc đó, nhằm đạt quân bình về thời gian bay tới đích của đạn tên lửa, N.S.Khrushchev ra lệnh đặt các bệ phóng tên lửa Liên Xô tại Cuba. Chúng ta đã biết "cuộc khủng hoảng tên lửa" kết thúc thế nào: thế giới đã ở trên bờ vực của cuộc chiến tranh nhiệt hạch hủy diệt tất thảy.
Song may mắn thay, các chính trị gia hàng đầu tìm được sự thỏa hiệp. Bây giờ, vào năm 1983, Tổng Bí thư Yu.V. Andropov không muốn lặp lại tấn kịch "Foxtrot Caribbean". Cần có những cách đáp trả khác. Và ông đã tìm ra... Chuẩn Đô đốc Malov hé lộ:
"Tôi đang ở ngoài biển, khi nghe tuyên bố của Tổng Bí thư UBTW Đảng Cộng sản Liên Xô, - Nikolai Malov kể. Ông ấy nói về "các biện pháp thích hợp" – về việc khai triển tên lửa Liên Xô trong không gian chiến trường đại dương.
Sĩ quan cao cấp nhất trên tàu ngầm hạt nhân K-219 là tôi - Tham mưu trưởng Sư đoàn tàu ngầm hạt nhân 19, và vì vậy tất cả các câu hỏi của thủy thủ dồn vào tôi. Điều đó nghĩa là gì? Chúng ta sẽ triển khai tên lửa tại thềm lục địa dọc bờ biển nước Mỹ? Chúng ta sẽ xây dựng bệ phóng tên lửa dưới nước?
Tôi có thể trả lời gì đây - Tôi chỉ biết những gì TASS tuyên bố. Chúng tôi nhận điện trở về căn cứ. Và trên bến tôi mới hiểu chuyện gì đằng sau cụm từ "các biện pháp thích hợp".
Đón chúng tôi là tư lệnh sư đoàn, chuẩn đô đốc G.Shabalin. Ông, vẫn rất cương nghị và nghiêm khắc: "Khẩn trương nhận dự trữ các loại và lại ra khơi ngay".
Mặc dù một trong các lò phản ứng trục trặc, năm ngày sau K-219 lần nữa ra khơi làm nhiệm vụ chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tá hải quân A.Streltsov. Thực tế lần này con tàu không đi xa – chỉ trong khu vực đảo Malyi Olenya.
Nhưng các biện pháp trả đũa đã bắt đầu như thế. Một băng chuyền dưới nước vô tiền khoáng hậu đã quay cuồng suốt ba năm kể từ ngày hôm đó, đưa các tên lửa đạn đạo tới sát bờ biển Mỹ, đến tuyến mà đạn tên lửa đạt thời gian bay tới đích trong vòng 5-6 phút.
Nếu khẩu Colt Mỹ đã gí nòng vào cổ họng điện Kremlin, nay đến lượt khẩu súng lục Xô Viết cũng kề vào thái dương Nhà Trắng ...
Bằng số phận khét tiếng buồn thảm của mình, tàu ngầm nguyên tử K-219 đã mở ra thiên sử thi dưới nước mới mẻ, rồi thiên sử thi ấy đã kết thúc bằng cái chết của chính con tàu năm 1986...".
Tàu ngầm nguyên tử K-219. |
Đối với Nikolai Malov vòng xoáy của Chiến tranh Lạnh trong lòng đại dương đã trở thành sự nghiệp chính yếu trong đời đi biển của ông. Ông nói:
"…Từ năm thứ hai trong trường hải quân Frunze chúng tôi hiểu rằng mình được chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ trên các tàu ngầm, và, hơn nữa, : chúng tôi được học kỹ các hệ thống đạo hàng hiện đại và nhiều loại thiết bị.
Chúng tôi biết các tàu ngầm tên lửa đang lần lượt gia nhập biên chế trang bị Hải quân Liên Xô, và độ chính xác khi bắn tên lửa đạn đạo phụ thuộc trước hết vào việc hoa tiêu xác định vị trí phóng đạn.
Ta vẫn nói: 'Lính tên lửa bắn, còn lính hoa tiêu dẫn đạn đến đích'. Chúng tôi học không chỉ cách quản lý mà còn cách chỉ huy con tàu, ông kể. Đó là một con tàu mạnh mẽ mang theo 16 tên lửa đạn đạo và các ngư lôi hiện đại, trang bị các thiết bị điện tử mới nhất tại thời điểm đó.
Chúng tôi tự hào vì người khổng lồ mang tên lửa hạt nhân này được giao phó cho các đôi tay chúng tôi ... Chúng tôi tự hào vì sư đoàn 19 của chúng tôi được một thủy thủ tàu ngầm dạn dầy lãnh đạo, Anh hùng Liên bang Xô Viết, Chuẩn Đô đốc Vladimir Tchernavin".
Chính ông là người tiếp nhận hạm đội hải quân Liên Xô từ tay Đô đốc hạm đội Georgy Gorshkov.
Gánh nặng chủ yếu của "biện pháp trả đũa" mà Liên Xô quyết định thực hiện trong nửa đầu thập niên 80 thế kỷ 20 đặt trên vai các kíp tàu ngầm đề án 667 và các biến thể của đề án.
Chính họ, "các chàng A" như đồng đội tàu ngầm gọi họ vì chữ "A" thêm vào sau số hiệu đề án (667A), đã quần đảo dưới các độ sâu biển Sargasso và Bắc Đại Tây Dương, chính họ đã giữ trong máy ngắm một đất nước mà các nhà lãnh đạo đang nhấn chìm Tây Âu dưới những cái chết có cánh.
Các chiến dịch đi biển đầu tiên khá thành công – Nikolai Malov tổng kết. - Không chỉ kẻ thù, mà ngay cả chúng tôi cũng không ngờ mình đã có thể tăng gấp đôi số lượng các tàu ngầm tuần dương làm nhiệm vụ chiến đấu.
Có thể nói Đại Tây Dương đã trở thành lãnh hải riêng của các tàu ngầm hạt nhân sư đoàn 19. Tất nhiên, gánh nặng khổng lồ dồn lên vai các thủy thủ tàu ngầm. Vừa trở về từ đại dương là bắt tay ngay chuẩn bị cho một chuyến xuất kích mới.
Nghĩa là - trong một thời hạn đã định phải hoàn thành các công việc bảo dưỡng thường xuyên, lên đốc sửa chữa, chuyển các thủy thủ vừa phục vụ xong sang kíp dự bị và tiếp nhận, đưa kíp tàu ngầm mới "vào đường bay":
"Hoàn thành tất cả các bài tập đi biển theo yêu cầu, kịp thực hành các bài bắn tên lửa và ngư lôi, bổ sung đủ các nguồn vật chất và lại tiến ra Đại Tây Dương. Một số kíp tàu ngầm trong một năm đã kịp ra khơi làm nhiệm vụ quân sự 3 lần, mà mỗi chuyến hành quân kéo dài 80 ngày".
Phân hạm đội thứ ba đẩy ra đại dương thế giới các tàu ngầm với độ chính xác của một cỗ máy. Vòng xoay này không ngừng nghỉ suốt nhiều năm: 5 tàu ngầm đi làm nhiệm vụ quân sự, 5 tàu được chuẩn bị để thay phiên, khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Một nhóm đi ra từ Đại Tây Dương, nhóm khác lập tức chiếm lĩnh vị trí của nó. Và cứ vậy năm này qua năm khác.
(Còn tiếp)
Theo Trí thức trẻ