Hải quân Nhật Bản ngày 25/3 đã được bàn giao tàu sân bay lớn nhất kể từ thời Thế chiến II, Izumo, với kích thước tương đương với các tàu sân bay của Nhật từng đối đầu với các tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương trong chiến tranh.
Chiến hạm Izumo, với thủy thủ đoàn 470 người, được xem là một ví dụ dễ thấy nhất về việc Nhật đang mở rộng các khả năng của quân đội nhằm hoạt động ở nước ngoài.
Con tàu đi vào hoạt động trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang tìm kiếm sự phê chuẩn của quốc hội nhằm nới lỏng các hạn chế của hiến pháp hòa bình hậu chiến tranh của Nhật.
Tàu chiến Izumo, dài 248m, giống các tàu sân bay tấn công đổ bộ của thủy quân lục chiến Mỹ về kích cỡ và thiết kế, nhưng được dùng như một tàu khu trục trực thăng, tên gọi cho phép Nhật vẫn tuân thủ lệnh cấm của hiến pháp, vốn cấm các phương tiện để tiến hành chiến tranh. Các tàu sân bay, với khả năng triển khai lực lượng, bị xem là vũ khí tấn công.
"Izumo có thể thực hiện một loạt các vai trò, trong đó có các chiến dịch gìn giữ hòa bình, trợ giúp và cứu trợ thảm họa quốc tế", Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết trong lễ bàn giao tàu tại xưởng đóng tàu của Công ty JMU tại thành phố Yokohama ngày 25/3.
Izumo không có máy phóng cần thiết để phóng các máy bay chiến đấu. Nhưng phiên bản F-35 dành cho hải quân, có khả năng hạ cánh và cất cánh thẳng đứng, có thể hoạt động từ tàu chiến này.
Các động thái của Thủ tướng Abe nhằm nới lỏng hiến pháp hòa bình của Nhật và tăng cường các khả năng phòng thủ đang khiến Trung Quốc lo ngại.
Nhật Bản cũng đang bổ sung các máy bay tuần tra tầm xa và các máy bay vận tải quân sự vào khả năng phòng vệ, mua các chiến đấu cơ F-35, các phương tiện đổ bộ, trực thăng Osprey, có thể hoạt động từ tàu Izumo.
Đóng tại căn cứ hải quân Yokosuka, cũng là cảng nhà của nhóm tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ, Izumo sẽ gia nhập cùng 2 tàu trực thăng nhỏ hơn khác đang phục vụ tại đó.
Yên Yên (Sputnik News)