Khả năng bắn tên lửa chống tăng qua nòng pháo được xem là yếu tố khác biệt, giúp xe tăng do Liên Xô/Nga sản xuất chiếm ưu thế trước các đối thủ phương Tây.
Nhằm tăng cường sức mạnh cho dòng xe tăng T-64/80 và T-72/90 sử dụng pháo nòng trơn 2A46 cỡ 125 mm, các công trình sư Liên Xô đã thiết kế cho chúng một loại đạn đặc biệt, đó chính là tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) dẫn đường laser bán chủ động 9M119 Svir/ 9M119M Refleks (NATO gọi là AT-11 Sniper).
Nhờ khả năng phóng qua nòng pháo, AT-11 được mệnh danh là cánh tay nối dài của xe tăng, khi có thể tiêu diệt đối phương từ cự ly 4.000 - 5.000 m với độ chính xác cao, thậm chí còn bắn hạ được cả trực thăng bay treo hay vận động chậm.
Người Nga tự hào nói rằng T-90 nắm ưu thế khai hỏa ngoài tầm bắn của M1 Abrams hay Leopard 2, vì đạn xuyên ổn định bằng cánh đuôi có ốp giữ tự hủy (APFSDS-T) hay đạn xuyên lõm (HEAT) chỉ có tầm bắn hiệu quả khoảng 2.000 m đổ lại.
Tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo AT-11 Sniper
Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng, thông số được phía Nga đưa ra chỉ căn cứ trên điều kiện lý tưởng. Thực tế cho thấy tên lửa chống tăng rất khó khai hỏa ở cự ly tối đa do vướng phải yếu tố địa hình, trừ khi xe phóng chiếm lĩnh sẵn vị trí trên cao, hay chiến trường là vùng thảo nguyên, sa mạc trống trải.
Còn khi ở trong tầm bắn của nhau, ATGM có tốc độ bay chỉ vào khoảng 200 - 250 m/s (so với 1.500 - 1.800 m/s của đạn pháo dưới cỡ, hoặc 850 - 900 m/s của đạn xuyên lõm), đồng thời chiếc MBT khi dẫn bắn tên lửa buộc phải đứng yên hoặc di chuyển chậm để bảo đảm độ chính xác.
Yếu tố này khiến cho xe tăng sử dụng vũ khí là tên lửa rất dễ bị "dính đòn" phản công ngay lập tức bằng đạn pháo dưới cỡ nếu đối phương xác định được nguồn chiếu laser, cuộc đấu tăng khi đó lại quay trở về với đạn pháo truyền thống.
Có thể so sánh trực quan bằng việc người Mỹ nhận định rằng trong các cuộc đấu súng bộ binh, 98% người lính chỉ bắn khi mục tiêu nằm trong cự ly 100 m. Do vậy việc khẩu M4 bị cắt ngắn nòng xuống còn 14,5 inch (so với 20 inch nguyên bản của khẩu M16) không gây ảnh hưởng đến hiệu quả tác chiến.
Một viên đạn APFSDS-T ở thời điểm tách guốc, liều dẫn đường hoạt động
Với những lý do trên mà hiện tại đạn xuyên dưới cỡ vẫn được coi là "sát thủ xe tăng" còn nguy hiểm hơn cả tên lửa bắn qua nòng pháo, giá thành rẻ hơn tên lửa rất nhiều lần cũng là một nguyên nhân khiến nó được sử dụng rộng rãi.
Tóm lại, không thể phủ nhận tên lửa chống tăng phóng qua nòng pháo có những ưu điểm riêng, tuy nhiên nó chưa phải là yếu tố đảm bảo chắc chắn thắng lợi cho xe tăng được trang bị. Không phải ngẫu nhiên mà các cường quốc quân sự như Mỹ, Đức... không chú trọng phát triển vũ khí này mà lại đầu tư nghiên cứu đạn pháo dưới cỡ.