Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-14 lần thứ hai, gây mối quan ngại sâu sắc đối với nhiều quốc gia trong khu vực.
Theo số liệu của đài NHK (Nhật Bản), tên lửa của Triều Tiên đã đạt đến độ cao 3.000 km. Trong khi đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc lại cho biết còn vươn tới trần bay 3.700 km trước khi rơi xuống khu vực cách bờ biển Nhật Bản khoảng 360 km.
Nếu được phóng theo quỹ đạo phù hợp, tên lửa này sẽ với tới những vị trí cách khu vực phóng hơn 10.000 km. Như vậy, nhiều thành phố lớn của Mỹ gồm Los Angeles, Denver, Chicago hoàn toàn nằm trong tầm bắn của Hỏa Tinh-14, còn Boston cùng New York có thể nằm trong vùng ảnh hưởng.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 của Triều Tiên
Cuộc thử nghiệm mới nhất gần như đã xóa tan nghi ngờ về khả năng Triều Tiên có thực sự chế tạo được ICBM hay không.
Tuy nhiên lúc này một câu hỏi mới lại được đặt ra, đó là liệu Bình Nhưỡng có sử dụng Hwasong-14 theo đúng mục đích thiết kế của họ, đó là triển khai những cuộc tấn công nhằm thẳng vào lãnh thổ Hoa Kỳ?
Viễn cảnh Triều Tiên phát động tấn công trước gần như chắc chắn không xảy ra. Dễ dàng nhận thấy cán cân chênh lệch giữa Washington với Bình Nhưỡng vẫn là rất lớn, không thể tiệm cận trong hàng chục năm tới.
Tên lửa Triều Tiên khi phóng đi sẽ phải đối mặt với "trùng trùng điệp điệp" các hệ thống phòng thủ tối tân của Mỹ, từ AEGIS triển khai trên biển cho tới GMD bố trí trên đất liền, rồi cả THAAD lẫn Patriot PAC-3... bao bọc trong cùng.
Hiệu quả của từng tổ hợp riêng lẻ trên tuy chưa đảm bảo xác suất 100%, nhưng nếu kết hợp lại, Mỹ thừa sức "chào đón" mỗi quả Hwasong-14 bằng cả chục đạn đánh chặn các loại để đảm bảo tận diệt tên lửa Triều Tiên.
Trong khi đó Bình Nhưỡng lại không có cách nào đáp trả đòn phản công của Mỹ, các mục tiêu trên đất Triều Tiên sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng không phải lời đe dọa xuông mà là thực tế phải chấp nhận.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược Trident II D5 của tàu ngầm Mỹ
Khi Triều Tiên đã không dám tung đòn tấn công trước (thậm chí vượt vĩ tuyến 38 tiến xuống phía Nam) thì liệu Mỹ và đồng minh có làm điều tương tự?
Viễn cảnh trên cũng rất khó xảy ra, bất chấp những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump. Phải nhìn nhận rằng chiến tranh với Triều Tiên chẳng có lợi ích gì mà sẽ mang lại thiệt hại nặng cho Mỹ, Hàn Quốc và cả Nhật Bản.
Mặc dù thực lực quân sự áp đảo, thừa sức đánh tan Quân đội Triều Tiên trong thời gian ngắn, nhưng các quốc gia láng giềng lại rất sợ hậu quả của đòn trả đũa "mất kiểm soát" bằng trọng pháo vào Seoul, hay tên lửa tầm trung mang đầu đạn sinh - hóa vào Tokyo.
Tổn thất lớn về nhân mạng dân thường, binh lính, tan tành cơ sở hạ tầng, nền kinh tế bị kéo lùi hàng chục năm, phải bỏ tiếp hàng trăm tỷ USD để tái thiết Triều Tiên, chưa kể còn phải đề phòng hành động từ phía Trung Quốc... đủ để khiến biện pháp quân sự luôn là lựa chọn cuối cùng, khi không còn cách nào khác.
Tình hình bán đảo Triều Tiên dự báo chưa thể có đột biến trong tương lai, vẫn tiếp tục là những lời đe dọa qua lại giữa các bên
Tóm lại, Triều Tiên chưa mất bình tĩnh tới mức dùng Hwasong-14 bắn vào nước Mỹ chỉ vì bị bao vây cấm vận do lo ngại sẽ lãnh hậu quả tàn khốc, họ cũng khó mà phải đối diện cuộc tấn công tổng lực từ liên quân Hàn - Mỹ đến mức buộc "chơi tất tay".
Chính vì vậy cho nên tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên mặc dù thông số rất ấn tượng nhưng có lẽ chỉ giữ vai trò một "món đồ trang trí" không hơn không kém.